Khả năng sống sót phi thường của loài gián

Gián được xem là một trong những sinh vật khó chết nhất hành tinh nhờ sức chịu đựng đặc biệt trong điều kiện cực hạn.






Cà phê - nguồn gốc và cách pha chế cổ xưa nhất thế giới

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của cây cà phê, tuy nhiên có một câu chuyện được nhiều người biết đến và phổ biến nhất trên thế giới, một câu chuyện cổ tích của đất nước và con người Ethiopia.

Thổ dân Ethiopia với trang phục được trang trí bằng những hạt cà phê


Theo một truyền thuyết được ghi lại trong sách cổ vào năm 1671, tại vùng Kaffa của Ethiopia, một chàng trai chăn dê phát hiện ra một con dê ăn một cành cây có quả màu đỏ và hoa màu trắng, sau khi ăn xong con dê tỉnh táo, chạy nhảy suốt ngày mà không mệt mỏi. Chàng trai cũng thử hái một quả ăn và cảm thấy tràn đầy sinh lực.
Những cuốn sách cổ tại một tu viện Ethiopia

Sau đó chàng trai hái một nắm quả đem về và thông báo cho các thầy tu tại một thư viện trong vùng. Các thầy tu tới xem xét và đem về ép thành một thứ nước thơm lừng, khi uống giúp họ tỉnh táo trong lúc cầu nguyện. Cà phê được người Ethiopia sử dụng từ đó.

Cách thức pha cà phê của người Ethiopia là cách thức cổ xưa nhất, hạt cà phê được rang trong một cái chảo sắt to sau đó được đập hoặc giã nát rồi trộn với đường, họ cho hỗn hợp đó vào một cái bình gọi là Jebena và đun sôi.
Bình Jebena của người Ethiopia
Bình Jebena của người Ethiopia

Ngày nay đa số người Ethiopia đều cầu nguyện khi uống tách cafe đầu tiên mỗi sáng sớm. Đó là lời khấn nguyện lặng lẽ, vang lên trong tâm trí khi còn đôi chút ủ rũ và mịt mù sau giấc ngủ.

Eele buna nagay nuuklen - Eele buna iijolen haagudatu - Hoormati haagudatu - Waaan haamtu nuura dow - Bokai magr nuken

“Bình cafe ban tặng hòa bình, bình cafe khiến lũ trẻ lớn lên làm sự thịnh vượng của chúng con nảy nở xin hãy che chở chúng con khỏi quỷ dữ xin hãy ban cho chúng con mưa và cỏ xanh.”
Nghi thức cầu nguyện uống cà phê của người Ethiopia
Nghi thức cầu nguyện uống cà phê của người Ethiopia

Hiệu ứng Michelangelo

Hiện tượng Michelangelo: người yêu của bạn có thể tạc ra một con người tốt hơn hoặc tệ hơn ở bạn như thế nào
Hãy dành một lúc để nghĩ về kiểu người lý tưởng mà bạn muốn trở thành. Bạn muốn sở hữu những tính cách hoặc kỹ năng gì? Trở nên nhẫn nại hơn, kỹ năng lãnh đạo tốt hơn, trở nên khoẻ mạnh hơn, hoặc học một ngôn ngữ mới là điều quan trọng đối với bạn?
Các nhà tâm lý học tin rằng mỗi người đều có một “cái tôi lý tưởng” mà họ phấn đấu đạt được. (1) Cái tôi lý tưởng này về bản chất là con người mà bạn sẽ trở thành nếu bạn đạt được tất cả những ước mơ và khát vọng của bạn. Bạn nhất định có thể tự mình phấn đấu để đạt được những phẩm chất lý tưởng đó, nhưng dường như người yêu của bạn có lẽ giúp được (hoặc phá hoại) quá trình trở thành con người lý tưởng đó của bạn, một quá trình mà các nhà nghiên cứu gọi là hiện tượng Michelangelo. (2)
Hiện tượng này được đặt theo tên của nghệ sỹ thời Phục hưng Michelangelo (nổi tiếng với bức tượng Pieta và David), ông xem điêu khắc là một cơ hội cho một nghệ sỹ thể hiện một nhân vật lý tưởng từ khối đá đang ngủ. Nhân vật lý tưởng tồn tại trong khối đá, và người nghệ sỹ chỉ đơn giản là loại bỏ những khối đá bao phủ nó. Trong những mối quan hệ yêu đương, hai người dần thích nghi với nhau, điều chỉnh để cho mối quan hệ suôn sẻ, và theo thời gian, những đáp ứng đó có thể trở thành một phần tương đối cố định của con người chúng ta. Do đó, người yêu của chúng ta có thể “tạc” chúng ta (và chúng ta cũng có thể “tạc” người yêu của mình) giống như Michelangelo đã tạc nên các nhân vật bằng đá hoa cương.
Bạn và người yêu của bạn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lẫn nhau hướng đến một cái tôi lý tưởng theo những cách có thể có lợi, trung tính, hoặc có hại. (2,3) Để minh hoạ cho điều này, hãy tưởng tượng về cái tôi lý tưởng của Lary bao gồm tính cách ưa mạo hiểm. Người yêu của anh ấy là Connie giúp đỡ cho anh một cách tốt nhất khi cô ủng hộ, khuyến khích tinh thần mạo hiểm, dám nghĩ dám làm của anh (ví dụ, Connie có thể cổ vũ, động viên khi Larry muốn thử làm những việc mới mẻ, như môn nhảy dù từ máy bay). Tuy nhiên, Connie cũng có thể thất bại trong việc xác nhận cái tôi lý tưởng của Lary nếu cô ấy khuyến khích những phẩm chất, tính cách không liên quan gì đến tinh thần dám nghĩ dám làm lý tưởng của anh ấy. Larry có thể không quan tâm tới việc có được những kỹ năng lập trình máy tính, nhưng Connie tin rằng anh là một nhà lập trình đặc biệt. Sau đó Connie có thể động viên, xác nhận những kỹ năng lập trình của anh hơn là tinh thần dám nghĩ dám làm, làm một chút để giúp anh ấy đạt đến cái tôi lý tưởng của anh.
 Vì vậy, thất bại trong việc khuyến khích những phẩm chất lý tưởng của người yêu của bạn không hẳn là xấu (vì Larry có thể trở thành một nhà lập trình giỏi hơn), nhưng nó cũng không tốt (vì Larry không nỗ lực để hướng đến hình ảnh con người lý tưởng của anh ấy). Phương pháp có hại nhất của việc “tạc tượng” là khi Connie phủ nhận cái tôi lý tưởng của Lary, bằng cách phản ứng tiêu cực trước những cố gắng của Larry để phát triển các phẩm chất mạo hiểm, dám nghĩ dám làm (ví dụ, cô ấy có thể gọi Larry là đồ ngốc khi tham gia nhảy dù từ máy bay) hoặc bằng cách khuyến khích những phẩm chất trái ngược với cái tôi lý tưởng của anh ấy. Connie có thể xem Larry là một người dè dặt, thận trọng hơn là người ưa mạo hiểm, và do đó cô ấy có thể cố ý hoặc trong vô thức, tạo ra những tình huống mà Larry hành xử một cách dè dặt (ví dụ như lên kế hoạch đi nghỉ mát đầy những buổi tiệc yên tĩnh, buồn tẻ và ít cơ hội cho những khám phá mạo hiểm), ngăn cản anh ấy hướng tới cái tôi lý tưởng của anh.

So với những người thất bại trong việc khuyến khích những phẩm chất lý tưởng hoặc phủ nhận chúng, thì những người khuyến khích, xác nhận những phẩm chất lý tưởng ở người yêu đạt được nhiều lợi ích về mặt cá nhân và cho mối quan hệ của họ. Khi người yêu của bạn xác nhận, khuyến khích bạn thì bạn có được sức khoẻ tinh thần tốt hơn và sự thoả mãn với cuộc sống vì bạn đang trở thành con người lý tưởng mà bạn muốn. (4) Khi người yêu của bạn xác nhận, khuyến khích những phẩm chất lý tưởng của bạn thì điều này làm bạn cảm thấy mình ĐƯỢC HIỂU, rằng người yêu ủng hộ bạn và chân thành quan tâm đến những mục tiêu và khát vọng của bạn; nó thúc đẩy sự tin tưởng, cảm kết và sự thoả mãn trong mối quan hệ. (3)
Thông điệp ở đây là gì? Bạn và người yêu của bạn có khả năng to lớn để giúp đỡ hoặc cản trở lẫn nhau trong việc trở thành con người lý tưởng mà bạn muốn. Giúp đỡ nhau đạt đến cái tôi lý tưởng của hai bạn có thể là một phần thưởng cực kỳ to lớn cho cá nhân hai bạn và cho mối quan hệ của bạn. Vì vậy, hãy giúp người yêu của bạn trở thành con người lý tưởng của anh/cô ấy và chú ý xem thử liệu anh/cô ấy có đang khuyến khích, hay thất bại, hay phủ nhận cái tôi lý tưởng của bạn. Bạn có thể phát hiện thấy bằng cách khuyến khích, xác nhận lẫn nhau thì cả hai bạn đạt được mục tiêu nhanh hơn bạn nghĩ!
 1Markus, H., & Nurius, P. (1986). Possible selves. American Psychologist, 41, 954-969.
2Drigotas, S. M., Rusbult, C. E., Wieselquist, J., & Whitton, S. W. (1999). Close partner as sculptor of the ideal self: Behavioral affirmation and the Michelangelo phenomenon. Journal of Personality and Social Psychology, 77, 293-323.
3Rusbult, C. E., Finkel, E. J., & Kumashiro, M. (2009). The Michelangelo phenomenon. Current Directions in Psychological Science, 18, 305-309.
4Drigotas, S. M. (2002). The Michelangelo phenomenon and personal well-being. Journal of Personality, 70, 55-77.

Rubi dịch (tamlyhoctoipham.com)

Hiệu ứng Benjamin Franklin


Một trích dẫn nổi tiếng của Kurt Vonnegut: “Chúng ta là những gì bản thân mình giả vờ thể hiện, vì thế chúng ta cần phải cẩn thận cách mình giả vờ.”
Nhưng làm sao biết được tâm trí chúng ta sẽ dẫn bản thân đi đến đâu, lỡ như bản thân không nhận ra khi nào mình giả vờ thì sao – lúc đó chúng ta là ai? Đó là điểm thú vị David McRaney đã khai phá trong You Are Now Less Dumb: How to Conquer Mob Mentality, How to Buy Happiness, and All the Other Ways to Outsmart Yourself (tạm dịch là “Bạn giờ đỡ ngu ngơ hơn rồi: Cách để thắng được tâm lí đám đông, tìm được hạnh phúc và đủ thứ phương pháp làm bạn lanh lợi hơn”) – đây là một cuốn sách nói về sự ảo tưởng sức mạnh, đồng thời nói về điểm tốt của nó,” một góc nhìn vừa hay ho vừa hơi khó chịu về chuyện tại sao ” ảo tưởng sức mạnh lại giống như một đặc tính đã ngấm vào con người của chúng ta,” và là nối tiếp của quyển “Bạn không thông minh lắm đâu” của McRaney, một trong những quyển sách tâm lý học hay nhất năm 2011. McRaney, nổi tiếng với những nghiên cứu về sự bất kính thông minh và sự thông minh bất kính, viết trong lời giới thiệu như sau:
"Trí não con người hiển nhiên là vĩ đại và mạnh mẽ hơn bất kì loài động vật nào, và điều đó khiến cho bất cứ ai tinh thông lịch sử loài người cũng phải nể phục. Bạn có thể xem như đây là lần cuối mình đến sở thú hoặc xem một con chó tự cắn chân sau của nó. Giống loài của chúng ta dường như là tạo vật đỉnh cao thuần tuý nhất của quá trình tiến hoá, thậm chí là đỉnh cao và là kết quả đẹp đẽ cuối cùng mà vũ trụ tự nó sản sinh ra. Suy nghĩ này khá là hay ho để ấp ủ đó. Thậm chí trước khi chúng ta phát hiện ra trượt băng và Salvador Dali, mọi nhà thông thái đều thật sự muốn đắm mình vào cái ảo tưởng này. Tất nhiên, ngay khi chúng ta đã an vị, bạn sẽ vô tình gửi một email cho ông chủ vì bác sĩ yêu cầu bạn phải thế, hoặc bạn sẽ đọc được một mẩu tin về món pizza nhồi hotdog giờ hoá ra lại là món ăn hot nhất đất nước. Lúc nào cũng vậy, cứ hễ khi nào bạn nhìn vào con người bây giờ, bạn cũng sẽ thấy những thứ lố lăng, giúp đỡ hời hợt."
Khuynh hướng này được gọi là “chủ nghĩa hiện thực thuần phác” – quyết định nhìn thế giới một cách nông cạn theo những gì bạn thấy và theo ấn tượng của chúng ta về các sự việc xung quanh, khách quan của “sự thật” – một ý tưởng xuất phát từ triết học cổ điển và từ đó được bóc tẩy hoàn toàn bởi khoa học hiện đại. McRaney viết rằng:
"100 năm nghiên cứu gần đây cho rằng bạn và tất cả mọi người vẫn tin vào chủ nghĩa hiện thực thuần phác. Bạn vẫn tin dù thông tin bạn nhận được có thể không được hoàn hảo, một khi bạn bắt đầu suy nghĩ và cảm nhận, những suy nghĩ và cảm nhận đó đều đáng tin cậy và có thể nói trước được. Giờ đây, chúng ta không biết hiện thực có khách quan hay không, hiện thực chủ quan có phải là một sự thêu dệt không, bởi chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm thứ gì khác ngoài những gì tâm trí mình sản sinh ra. Mọi thứ từng xảy ra đều xảy ra vỏn vẹn trong cái hộp sọ."

Nói chung, chúng ta rất giỏi trong việc tự dối lòng, và tệ hại trong việc nhận ra khi nào phải tách biệt nhận thức, thái độ, ấn tượng và ý kiến về thế giới bên ngoài. Một trong những biểu thị đáng chú nhất chính là hiệu ứng Benjamin Franklin mà McRaney nghiên cứu ở chương thứ 3. Sự tự dối lòng ở đây chính là chúng ta đối xử tốt với những người mình thích và với những người mình không thích, lại hành xử tồi tệ. Nhưng những gì tâm lý học cho thấy đằng sau hiệu ứng này lại khá tương phản, thái độ chúng ta thay đổi khiến chúng ta thích những người mà ta đối xử tốt và ghét những người chúng ta đối xử tồi tệ.
Hiệu ứng gây tò mò này được đặt tên theo một sự việc bất ngờ trong sự nghiệp chính trị của Founding Father (có thể hiểu như Khai quốc công thần vậy) – Benjamin Franklin. Franklin, sinh ra trong một gia đình nghèo 17 đứa con – mặc kệ quan niệm của gia đình và xã hội đối với những người anh chị em của mình – những cá nhân với khả năng rất thấp có thể trở thành một nhà khoa học, quý ông, học giả, nhà kinh doanh hoặc nhất là trở thành một người đàn ông nắm trong tay quyền lực chính trị tuyệt đối. Bù lại hoàn cảnh xui xẻo, cậu bé ấy nhanh chóng học hỏi những tuyệt kĩ của con người và trở thành “bậc thầy của trò chơi chính trị cá nhân.” McRaney viết:
"Như nhiều nhân vật có đầy đủ tố chất và thông minh nhưng xui xẻo sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó, Franklin nhanh chóng phát triển các kỹ năng và sức mạnh xã hội. Khả năng phân tích cũng đóng góp một phần hình thành thái độ, và Franklin trở nên khéo léo hơn trong quan hệ giữa người với người. Từ khi còn nhỏ, ông đã là một diễn giả và người lên kế hoạch,một người có đủ khôn khéo, mưu mô và nét lịch lãm đầy thuyết phục. Ông cất giấu nhiều vũ khí bí mật, một trong số đó là hiệu ứng Benjamin Franklin, một công cụ hữu dụng ở những năm 1730, với hiện tại và vẫn sẽ tiếp tục có tác dụng trong tương lai.
Năm 21 tuổi, ông lập nên một “câu lạc bộ tương trợ lẫn nhau” gọi là Junto. Cương lĩnh của hội chính là cùng nhau tiếp thu kiến thức. Ông mời những học giả thuộc tầng lớp lao động như mình để họ có cơ hội cùng nhau trao đổi sách và suy luận về những kiến thức cơ bản của thế giới. Họ viết lách và làm thơ, tổ chức những buổi hùng biện và lập kế hoạch làm giàu. Franklin dùng hội Junto như một hội đồng tư vấn riêng, một thùng chứa kiến thức, ông thảy ý tưởng cho những thành viên khác và thế là ông nhận được một bản chỉnh sửa tốt hơn. Sau đó, Franklin thành lập thư viện quyên góp đầu tiên ở Mỹ, viết rằng điều đó có thể giúp “những người nông dân và buôn bán bình thường cũng có thể thông minh như hầu hết các quý ông đến từ các nước khác,” không kể đến việc cho phép ông tiếp cận mọi quyển sách mình muốn."
Đây là lúc hiệu ứng mang tên ông bắt đầu nhập cuộc: Khi Franklin vận động cho nhiệm kì thứ 2 và một viên chức cùng tầng lớp mà ông bao giờ kể tên tới trong tự truyện của mình lại dành ra một bài diễn văn ứng cử dài đề chỉ trích và làm lu mờ danh tiếng của ông. Dù năm đó Franklin thắng, ông vẫn khá là cay cú với đối thủ của mình nhưng không phải là lo lắng về xích mích trong tương lai với người đó mà nhận thấy đây là “một quý ông đầy may mắn và có trình độ” – người mà một ngày nào đó có thể nắm giữ quyền lực tối cao trong bộ máy chính phủ.
Kẻ thù cần phải được thuần hoá, và thuần hoá một cách khôn ngoan. McRaney viết rằng:
"Franklin tiến hành biến kẻ thù thành một người hâm mộ, nhưng ông không muốn làm bằng cách “hối lộ bất cứ của cải gì để nhận được sự tôn trọng.” Franklin nổi tiếng với gu thưởng thức thơ văn tinh tế, vì thế ông đã gửi cho người kia một lá thư hỏi rằng ông có thể mượn một tuyển tập sách từ thư viện của người đó không, “một quyển rất hiếm và hay.” Người đó cảm thấy hãnh diện và gửi ngay quyển sách ấy. Franklin gửi trả lại 1 tuần sau đó cùng với một lá thư cảm ơn. Nhiệm vụ hoàn tất. Lần kế tiếp là tại một cơ quan lập pháp, người đó tiếp cận và trò chuyện trực tiếp cùng Franklin lần đầu tiên. Franklin nói rằng người đó “biểu lộ sự sẵn sàng giúp đỡ tôi mọi lúc mọi nơi, thế là chúng tôi trở thành bạn tốt và tình bạn này tiếp diễn đến cuối đời ông ấy.”

Ngừng lại một chút: Làm thế quái nào mà có thể khiến một người từ kẻ thù lại trở thành bạn bè một cách vi diệu như vậy? Hoá ra đây chỉ là một phương pháp tâm lý cơ bản cho thấy tại sao nghệ thuật xin phép cho lại là nghệ thuật nuôi dưỡng cộng đồng – McRaney giải thích, nó liên quan nhiều đến tâm lý học về thái độ, về một đống chỉ trích và ấn tượng của con người hoặc một tình huống:
Đối với nhiều việc, thái độ của chúng ta đến từ hành động, sau đó dẫn đến quan sát và đến giải thích, và tin tưởng. Những hành động của bạn có khuynh hướng mài dũa viên ngọc bản ngã của bạn, tạc lên nó những điều mà bản thân bạn trải nghiệm từ ngày này sang ngày khác. Dù nó có vẻ không phải như vậy. Với những trải nghiệm lúc tỉnh táo, nó cảm giác như thể bạn là người cầm chiếc đục, được thúc đẩy bằng những suy nghĩ và niềm tin. Cảm giác như thể một cơ thể đang mặc quần của bạn, thực hiện những hành động phù hợp với tính cách mà bạn thiết lập, nhưng ở đó vẫn còn nhiều bỏ ngỏ. Những điều bạn thường làm tạo nên những gì bạn tin tưởng.
Thật vậy, đây là điều Gandhi đã đúc kết ra khi ông quan sát cách suy nghĩ của con người biến thành lời nói của chính họ, lời nói lại trở thành hành động, hành động trở thành tính cách, và tính cách quyết định số phận, nó cũng là nền tảng của Liệu pháp nhận thức hành vi, nhắm vào việc thay đổi cách chúng ta suy nghĩ bằng cách thay đổi hành động của chúng ta, cho đến khi bản thân tự đặt nên một niềm tin về những hành động định nghĩa con người mình. McRaney giải thích điều này như sau:
"Ở mức thấp nhất, cách cư xử làm nên thái độ – bắt đầu với thuyết điều khiển ấn tượng – nói rằng bạn thể hiện với những người xung quanh con người mà bạn mong muốn trở thành. Bạn tiến hành một thứ mà các nhà kinh tế gọi là truyền tín hiệu bằng cách mua và thể hiện với mọi người những thứ khiến bạn cảm thấy mình như trung tâm… Dù là những thứ dễ đạt được nhất, những ý tưởng điên rồ nhất mà bạn khao khát thực hiện trở thành những thứ bạn sở hữu, như là phát tín hiệu quảng bá với thế giới rằng bạn ở trong một nhóm, hay tổ chức nào đó. Những điều này sau đó sẽ ảnh hưởng bạn, khiến bạn trở thành con người có thể đạt được điều mình nói.
Sự lo sợ bị tẩy chay, hoặc khai trừ khiến hành vi của bạn tiến xa ra khỏi giới hạn ban đầu của nó. Thuyết điều khiền ấn tượng nói rằng bạn luôn nghĩ về cách mình xuất hiện trước người khác, dù cho khi không có ai xung quanh. Dù không có người xem, sâu trong tâm trí bạn vẫn có một chiếc gương phản ánh những gì bạn làm, và khi bạn nhìn thấy một người hành xử theo cách mà bạn nghĩ có thể đưa bạn thăng tiến, nỗi lo sợ sẽ khiến bạn tự cải tổ lại bản thân."


Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi gà hay trứng có trước. Theo thuyết tự nhận thức, chúng ta vừa là người quan sát, vừa là người kể chuyện trong những trải nghiệm của chính mình – chúng ta thấy mình làm thứ gì đó, không thể ngăn chặn được, nên chúng ta tự dàn dựng nên một câu chuyện có vẻ hợp lí để khiến hành động của mình trở nên có ý nghĩa. Sau đó chúng ta tạo dựng niềm tin vào bản thân dựa trên việc quan sát hoạt động của bản thân, và được dẫn chuyện bằng câu chuyện đó, tất nhiên là dựa vào niềm tin sẵn có ngay từ đầu của bản thân. Đây là những gì xảy ra với đối thủ của Franklin: người đó tự quan sát hành động của bản thân khi thể hiện sự quý trọng đến Franklin, điều mà ông tự giải thích cho bản thân bằng cách dệt nên một câu chuyện khả thi nhất có thể – rằng ông hành động hoàn toàn tự nguyện, rằng sau tất cả, ông quý trọng Franklin.
Và như chúng ta thấy trước cách chúng ta hợp lý hoá sự không trung thực của mình, là một ví dụ của xung đột nhận thức, một sự mâu thuẫn về mặt tâm lí xảy ra khi chúng ta vướng mắc trong việc điều hoà những suy nghĩ mâu thuẫn trong mình. McRaney hướng đến một bằng chứng rõ ràng:
"Bạn có thể thấy được trong kết quả quét MRI của một người thể hiện rằng quan niệm chính trị của một người mâu thuẫn với chính bản thân cô ta. Bản quét não của một người cho thấy tại vùng cao nhất ở vỏ não, phần chịu trách nhiệm cung cấp suy nghĩ lí trí nhận ít máu hơn cho đến khi có một điều gì đó xuất hiện và khẳng định lại niềm tin của người đó. Nhận thức của bạn sẽ bắt đầu sụp đổ một khi bạn cảm nhận được thế giới quan của mình bị đe doạ."
Một trong những ví dụ sinh động nhất của quá trình này được thể hiện trong một nghiên cứu ở Stanford:
Các học sinh phải đăng ký vào một thực nghiệm kéo dài 2 giờ tên là “Đo lường thành quả” như một phần bắt buộc để được qua môn. Các nhà thực nghiệm chia họ thành hai nhóm. Một nhóm được thông báo rằng họ sẽ nhận 1$ (tương đương với 8$ hiện nay). Nhóm khác được thông báo rằng họ sẽ nhận 20$ (khoảng 150$ hiện nay). Các nhà khoa học sau đó giải thích rằng những học sinh này sẽ giúp cải thiện khoa nghiên cứu bằng cách viết bài đánh giá một thí nghiệm mới. Họ được dẫn vào một căn phòng, nơi họ phải dùng một tay đặt các thanh gỗ vào khay và đổi chỗ chúng hết lần này đến lần khác. Sau nửa giờ, nhiệm vụ đổi chỗ các khối gỗ trên bàn một góc 90 độ theo chiều kim đồng hồ cứ mỗi 30p trôi qua. Sau một lúc, các nhà thực nghiệm quan sát và ghi chép. Đó là một giờ đồng hồ dày vò đầy nhạt nhẽo với một gã ngồi xem và ghi chép. Sau 1h, các nhà nghiên cứu hỏi học sinh nếu anh ta có thể đóng góp cho trường bằng cách nói với những học sinh sắp sửa tham gia thực nghiệm đang ngồi đợi ngoài kia rằng thực nghiệm này khá vui và thú vị. Cuối cùng, sau khi nói dối, những người ở cả hai nhóm điền vào bản khảo sát, hỏi rằng họ thực sự nghĩ gì về công việc nghiên cứu này.
Một chuyện phi thường và ngược đời xảy ra: Những học sinh được trả 20$ nói dối người khác nhưng vẫn ghi trong bản khảo sát, như dự kiến, họ đã chịu đựng 2h đồng hồ hại não chán ngắt. Nhưng những người được trả 1$ hoàn toàn tiếp thu yêu cầu và báo cáo trong khảo sát rằng họ thấy nhiệm vụ đưa ra khá thiết thực. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhóm đầu tiên có thể bao biện rằng với sự tẻ nhạt và lời nói dối, với số tiền họ được nhận thì là làm vậy cũng không sao; nhưng đối với nhóm thứ hai, được trả cũng như không, họ không có bất kì bao biện nào và thay vào đó phải làm dịu sự không thoải mái về mặt tinh thần bằng cách thuyết phục bản thân rằng những việc này bõ công. McRaney mở rộng góc nhìn tới vấn đề rộng hơn của việc làm tình nguyện:
"Đây là lí do tại sao đi tình nguyện lại khiến người ta cảm thấy tốt và những thực tập sinh không lương lại làm việc chăm chỉ đến vậy. Khi không có một phần thưởng rõ ràng nào từ bên ngoài, bạn tự tạo cho mình một phần thưởng tin thần. Đó là vòng tuần hoàn của xung đột nhận thức, một mâu thuẫn đầy đau đớn về cách bạn hài lòng bằng cách buộc mình nhìn thế giới dưới lăng kính hường phấn."
Động lực này cũng làm điều ngược lại – như Thí nghiệm Nhà tù Stanford, đã cho thấy nhưng hành vi xấu tính khiến chúng ta phát triển thái độ xấu. Trở lại với người bạn của Franklin:
"Khi bạn cảm thấy lo lắng về hành động của mình, bạn sẽ tìm kiếm giải pháp làm giảm nỗi sợ hãi bằng cách tạo ra một thế giới ảo tưởng, nơi đó lo lắng của bạn không thể tồn tại, sau đó bạn bắt đầu tin những ảo tưởng đó là sự thật, như cách mà người bạn của Benjamin Franklin đã làm. Ông ấy không thể cho một gã ông không ưng mượn một quyển sách hiếm nên ông buộc phải ưa hắn. Vấn đề được giải quyết.
Hiệu ứng Benjamin Franklin là kết quả nhận thức của cá nhân khi bị ảnh hưởng. Mọi người đều có một bản ngã, và bản ngã đó là bất biến vì những sự không kiên định trong câu chuyện của chính bạn được viết lại, biên tập lại. Nếu bạn thuộc số đông, bạn có lòng tự trọng cao và có xu hướng tin rằng mình luôn ở mức trên trung bình ở nhiều phương diện. Nếu bạn tiếp tục giữ đầu mình trên mực nước, khi một phần nào đó của bạn khiến bạn hành động kì lạ, bạn sẽ tự tạo nên một câu chuyện, phác hoạ bản thân mình dưới ánh sáng tích cực. Nếu bạn thuộc phần còn lại, mức tự tôn không cao, thường thấy mình không xứng đáng hoặc dưới tầm, bạn sẽ viết ra một con người u ám – là kết quả của việc kiên quyết giữ thái độ theo đúng bản ngã của một con người bất tài, dị thường hoặc bất cứ loại thất bại nào bạn có thể nghĩ ra. Thành công sẽ khiến bạn khó chịu, thế nên bạn lờ nó đi. Nếu mọi người tốt với bạn, bạn sẽ cho rằng họ có toan tính hoặc nhầm lẫn gì đó. Dù bạn yêu hay ghét bản ngã của mình, bạn bảo vệ nó theo cách bạn cảm thấy dễ chịu nhất. Khi bạn quan sát hành vi của chính mình, hoặc cảm nhận cái nhìn của người ngoài, bạn thao túng sự thật để chúng phù hợp với mong muốn của mình."


Thật ra, Franklin có viết trong tự truyện của mình rằng: “Người đó một khi đã làm cho bạn một việc tốt, ông ta sẽ sẵn lòng làm thêm một việc nữa, và vượt ra ngoài mong đợi của bạn.” McRaney để lại cho chúng ta một số những lời khuyên hữu ích:

Chú ý khi cỗ xe đi trước con ngựa. Chú ý khi một sự khởi đầu đầy đau đớn dẫn đến một niềm tin phi lý hoặc khi một công việc không suôn sẻ lại tự dưng trở nên đáng giá. Tự nhắc nhở mình phải cam kết vì những lời hứa có sức mạnh. Nhớ rằng khi không có bất kì phần thưởng nào từ bên ngoài, bạn sẽ tự mình tạo ra một phần thưởng tinh thần. Ghi nhớ rằng bạn càng trả giá cao cho quyết định của mình, bạn sẽ càng trân trọng chúng hơn. Sự mâu thuẫn trong tư tưởng qua thời gian sẽ ngày càng rõ ràng. Cảm giác thờ ơ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn tham gia vào một nhóm đông người hoặc một tổ chức. Khiến con người mình đa dạng hơn bởi vì bạn sẽ trở thành con người khác nếu chỉ hành động theo một hướng suy nghĩ. Trên hết, hãy nhớ rằng bạn càng gây ra nhiều nguy hại, bạn sẽ càng căm ghét nhiều hơn. Bạn càng thể hiện nhiều lòng tốt, bạn sẽ càng yêu thương những người mình giúp hơn.

Nguồn tamlyhoctoipham

"THÀNH PHỐ VỚI NHỮNG NGƯỜI QUEN XA LẠ" VÀ LỜI TỰ VẤN “TA LÀ AI?”

Tôi đã bị tựa sách cuốn hút ngay khi nghe giới thiệu. "Thành phố với những người quen xa lạ" gợi lên cái gì đó cô đơn, xa xôi, một nỗi buồn êm đềm mà dữ dội bởi hai từ “quen” và “lạ”. Và khi khép sách lại, trong tôi vẫn tồn đọng thứ gì đó như là day dứt, tôi hiểu rằng “quen” và “lạ” không chỉ dùng để chỉ mối quan hệ giữa người với người mà nó còn là một sự quay ngược lại bản thể để tìm lời giải cho lời tự vấn “ta là ai?”.

"Thành phố với những người quen xa lạ" được Choi – In ho viết khi gần đến ngưỡng cuối cuộc đời và cũng là khoảng thời gian bị căn bệnh ung thư tuyến nước bọt hành hạ. Có lẽ nhờ sự từng trải, dày dặn vốn đời và sự đau đớn của căn bệnh mà Choi – In ho đã viết nên một tác phẩm có sức đi ngược vào bản thể con người một cách sâu sắc mà hiện đại đến vậy.

Tác phẩm kể về anh chàng tên K, vào một buổi sáng thức dậy chợt nhận ra xung quanh mình khang khác trước. Mọi việc bắt đầu bằng chiếc đồng hồ báo thức kêu inh ỏi mặc dù hôm đó là thứ Bảy, lọ nước hoa thường dùng bị thay thế bằng nhãn hiệu khác. Và từ đó, mọi thứ trở nên xa lạ với K, ngay cả vợ và con gái, mặc dù hình hài bên ngoài chẳng có gì thay đổi. Cả thế giới dường như trở thành một vở diễn, và mỗi người là một diễn viên. K có bốn mươi tám tiếng đồng hồ để lần ra sự thật.

Tôi đã hơi vô định khi đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách cho đến khi nhận ra chất Kafka (phi lý) của nó. Chợt nghĩ, có phải Kafka đã trở thành huyền thoại của sự phi lý khi tôi bắt gặp một anh chàng Kafka trong tác phẩm "Kafka bên bờ biển" của Haruki Murakami, giờ đây tên nhân vật trong "Thành phố với những người quen xa lạ" cũng được kí hiệu bằng “K” (Kafka?). Tuy nhiên, khác với Kafka, sự phi lý của Choi – In ho gợi lên niềm hoang mang và nhẹ nhàng đi sâu vào tâm thức con người.

"Thành phố với những người quen xa lạ" là sự hoài nghi về thế giới thực tại. Một ngày, K chợt nhận ra, dường như từng khuôn mặt người, từng đồ vật xung quanh đều được lập trình sẵn. Cô con gái vẫn hay nói “Bố à, chào bố” rồi “Ông à, chào ông”, cô phát thanh viên trên truyền hình thì có khuôn mặt giống cô gái trong quán rượu, người anh rể vào vai một người đàn bà, bố vợ bỗng dưng trở thành chồng của chị gái K... Vì cảm nhận mọi thứ khác đi mà K không thể làm tình với vợ dù hôm ấy là buổi “tiền dạ lễ” (đêm trước ngày nghỉ), cảm thấy xa lạ khi cô con gái ôm mình, và cảm thấy có nhục cảm đối với chị ruột... Phải chăng những điều trên đủ để thấy rằng, trong xã hội công nghiệp người ta đã quen sống theo kiểu rập khuôn máy móc như việc làm tình của K và vợ cũng là một sự “xếp lịch”, mọi giá trị bên trong điều bị lãng quên. Hơn thế nữa, con người đã tự giới hạn mình trước những gì bản năng vốn có để rồi tự cảm thấy cô độc và lạc loài, không hòa nhập được với chính những người vốn dĩ là thân yêu của mình. Con người bị phán quyết phải sống trong sự hoài nghi và băn khoăn đi tìm câu trả lời cho sự hoài nghi đó. Đây là một kiểu chấn thương tâm lý trong xã hội hậu hiện đại.

Hơn tất cả, ẩn giấu trong "Thành phố của những người quen xa lạ" là lời tự vấn “ta là ai”. Lời tự vấn ấy như mở ra một hành trình truy tìm bản thể của nhân vật K. Choi – In ho đặt nhân vật trước những sự kiện phi lý và bất ngờ, để rồi chính trong khoảnh khắc của sự thức nhận, buộc nó phải trải nghiệm đến tận cùng trạng thái tha nhân. Con người đã lạc giữa cõi người. Việc K tìm lại người chị gái sau nhiều năm gián cách như là sự tìm kiếm lại chính mình nhờ những người thân yêu, đó như một cách đánh thức lại kí ức và tình yêu thương. Gần cuối tác phẩm Choi – In ho đã xây dựng một K (K2) đối sánh với K (K1) hiện tại. Nếu K1 sống theo lý tính, theo khuôn mẫu thì K2 còn lại là biểu hiện của bản năng và ham muốn. Choi – In ho để cho K tìm lại bản ngã bằng cách hợp nhất hai nhân vật này thành một cái tôi. Đó là sự dung hợp hai mặt của một con người, vô thức và ý thức, bản năng và lý trí. Và cái “tôi” hợp nhất đó đã đem con người trở lại thiên đường của Omega sau khi K không màng đến nguy hiểm cứu cô bé Sailor Moon đang giữ cây gậy phép thuật để cứu loài người. Qua đó, câu hỏi “ta là ai?” không chỉ là một lời tự vấn đơn thuần mà còn là bước đệm của hành động, và cũng chỉ có hành động mới trả lời cho chính câu hỏi này.

"Thành phố với những người quen xa lạ" là cuốn sách đáng đọc cho những ai muốn nhận diện chính mình, những ai muốn dành một ít thời gian trong những chuỗi ngày bộn bề để lắng lại và suy tư. Tuy tác phẩm có nhiều tầng ý nghĩa nhưng không vì thế mà trở nên nặng nề. Với cách viết phi lý khá đậm chất Kafka, "Thành phố với những người quen xa lạ" sẽ đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và hơn thế nữa, tác phẩm là “sự hợp nhất tuyệt đẹp giữa văn học và tôn giáo, nghệ thuật và tâm linh” (Oh Jeong – hee).

Nguồn Thảo Khuy

CÔ GÀ MÁI XỔNG CHUỒNG HAY HÀNH TRÌNH GIẢI THOÁT SỐ PHẬN



Hwang Sun-mi là nhà văn nữ Hàn Quốc chuyên viết truyện thiếu nhi. Bà đã có được tiếng vang nhất định với những tác phẩm đầu tay, nhưng chỉ đến khi Cô gà mái xổng chuồng ra đời, tên tuổi Hwang Sun-mi mới được chú ý đặc biệt bởi sự thành công mà tác phẩm mang lại. Tập truyện thiếu nhi Cô gà mái xổng chuồng đã vượt ra xa đường biên thể loại để đến với mọi đối tượng độc giả, do vậy ý nghĩa mà tác phẩm mang lại vô cùng đa dạng và sâu sắc.

Bài viết tập trung tìm hiểu Cô gà mái xổng chuồng dựa trên các yếu tố như thiên tính nữ, truy tìm bản thể, sự phân tầng xã hội và các đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm.



Download sách Tại Đây


Khi đọc tên tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng, tôi đã mường tượng đến kiểu nhân vật nổi loạn, bất chấp, thách đời như các nhân vật trong những bộ phim thần tượng của xứ kim chi. Nhưng khi bước vào bên trong câu chữ của tác phẩm, tôi chợt nhớ đến câu nói của một vlogger trong cuốn sách Chân đi không mỏi: hành trình Đông Nam Á: “Ngay đây và ngay bây giờ, cuộc sống ở trước mặt. Sống  đi, sống trọn từng giây phút để không bao giờ phải ngoảnh mặt lại và hối tiếc vì ngày đó đã không sống với tất cả trái tim và tâm trí của mình” . Theo đuổi ước mơ và sống đúng với chính mình là điều đáng trân trọng nhưng mấy ai có thể dũng cảm để thực hiện điều đó. Cô gà mái xổng chuồng là tác phẩm phù hợp để những ai đang “bâng khuâng đi giữa hai dòng nước” có thể chọn cho mình một dòng nước thích hợp và có được sự ủng hộ tinh thần để thực hiện ước mơ. Đối với tác phẩm này, tôi chọn cho mình một điểm nhìn, một hướng tiếp cận có lẽ hơi xa với một tác phẩm văn học thiếu nhi, tuy nhiên, tôi cho đây là một trong những nội dung tư tưởng đẹp mà tác phẩm có được.
CÔ GÀ MÁI XỔNG CHUỒNG HAY HÀNH TRÌNH GIẢI THOÁT SỐ PHẬN

Cô gà mái xổng chuồng (The Hen is Dreamed She Could  fly) là tập truyện thiếu nhi đặc biệt thành công của nhà văn nữ Hàn Quốc, Hwang Sun-mi, được xuất bản vào năm 2002, sau những tác phẩm đã làm nên tên tuổi trước đó như Bông hoa trong tâm hồn, Viên bi màu, Phiếu bé hư. Tác phẩm viết về một cô gà mái công nghiệp có tên là Mầm Lá cố gắng thực hiện ước vọng tưởng chừng như không thể. Năm 2013, dưới sự hỗ trợ của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI Korea), tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng được dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân dịch và đã phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Là tác giả dành nhiều tâm huyết cho thiếu nhi, Hwang Sun-mi luôn ý thức về câu chữ và truyền tải những ý nghĩa phù hợp với đối tượng là độc giả nhí. Vì vậy, sáng tác của bà trong sáng trong câu chữ, nhẹ nhàng trong cốt truyện và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trên tinh thần đó, Cô gà mái xổng chuồng dễ dàng đi sâu vào lòng độc giả và trở thành tác phẩm có giá trị cao, đánh dấu tên tuổi Hwang Sun-mi với nhiều giải thưởng. Hơn nữa, các tác phẩm của Hwang Sun-mi chạm đến nhiều ngóc ngách của cuộc sống như sự va chạm giữa truyền thống và hiện đại, vấn đề sinh tồn và theo đuổi ước mơ. Hwang Sun-mi đã đạt được nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi trong nước như Giải thưởng truyền thông thiếu nhi của đài SBS (SBS Children’s Media Award, năm 2001), Giải thưởng văn học thiếu nhi Se-Jong (Se-jong Children’s Literature Award, năm 2003),… Đặc biệt, Cô gà mái xổng chuồng là tác phẩm thành công nhất của Hwang Sun-mi được dịch ra chín thứ tiếng và được dựng thành vở nhạc kịch truyền thống Cô gà mái xổng chuồng. Ngoài ra, tác phẩm còn được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình  Leafie, A Hen into the Wild (năm 2011) với lượng khán giả kỉ lục Hàn Quốc, tạo được tiếng vang lớn ở các liên hoan phim quốc tế.

Cô gà mái xổng chuồng gồm mười một câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc đời cô gà mái công nghiệp tên là Mầm Lá. Từng câu chuyện là từng trải nghiệm, biến cố, là sự thay đổi trong hành trình của Mầm Lá đi từ chuồng gà chật hẹp đến cuộc sống tự do bên ngoài. Ở đó, những khó khăn, thử thách dần xuất hiện trở thành động lực và là phép thử cho khát vọng hiện thực hóa ước mơ của Mầm Lá.
Cuộc đời và những bước đi của Mầm Lá thể hiện hành trình truy tìm bản thể của cô gà mái công nghiệp giàu ước vọng. Vốn dĩ là cô gà mái công nghiệp, nhiệm vụ duy nhất của Mầm Lá là đẻ trứng. Chiếc rào sắt của chuồng gà trong tác phẩm không chỉ thể hiện sự cầm tù về không gian, mà còn là sự cầm tù về bản thể của Mầm Lá nói riêng và gà công nghiệp nói chung. Bên trong chiếc rào sắt ấy, tự do thể hiện cái tôi cá nhân là những điều xa xỉ. Nhưng trong số “gà mái không trọn vẹn” của chuồng gà công nghiệp, chỉ có Mầm Lá ý thức được thiên tính và cá tính của mình bị tước đoạt. Hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai của Mầm Lá là hành trình đi tìm cái dĩ nhiên phải có, hành trình này được nhen nhóm bởi hình ảnh “một cô gà mái ấp nở ra chú gà con rất đáng yêu, và dẫn chú bé đáng yêu ấy đi loanh quanh trong vườn” . Và hành động cốt truyện bắt đầu từ lúc Mầm Lá quyết định “mình sẽ chẳng đẻ trứng nữa đâu!” cho đến khi thoát khỏi chuồng gà đến vườn và rời bỏ vườn để sống cuộc sống của chính mình. Từng bước đi của Mầm Lá là từng bước tìm kiếm bản thân trong guồng quay của ngoại cảnh.

Hành trình truy tìm bản thể của Mầm Lá bắt đầu từ sự định danh và những câu hỏi. Từ khi ngắm nhìn cây hoa Mimosa và có chút ghen tị với chúng, Mầm Lá dần ý thức về cá nhân và cô đã tự đặt tên cho mình dù chẳng ai gọi. Mầm Lá luôn băn khoăn về mọi chuyện, băn khoăn về cuộc sống của chính mình: “Tại sao mình phải ở trong chuồng, còn các cô gà mái kia lại được ở ngoài vườn?” . Và câu hỏi “tại sao thế chứ?”  thường xuyên khiến Mầm Lá phải suy ngẫm nhưng không lời giải đáp. Lạ lẫm với thế giới bên ngoài, lạ lẫm với mọi khái niệm, Mầm Lá gần như chấp nhận mình là “đồ bỏ đi”, chấp nhận đầu hàng số phận. Nhưng với khát vọng sống mạnh mẽ, Mầm Lá tự thức tỉnh, an ủi và vỗ về để bản thân không gục ngã: “Chết như thế này sao, không thể như vậy được. Mình muốn được ra vườn!” . Có lẽ sức mạnh để Mầm Lá vượt qua khó khăn chính là khát vọng, bởi lẽ khát vọng là yếu tố quan trọng quyết định tư thế con người trước khó khăn. Cô gà mái xổng chuồng là tập truyện dành cho thiếu nhi nhưng ý nghĩa của tác phẩm đã vượt qua mọi giới hạn khuôn khổ về thể loại để hướng đến mọi đối tượng độc giả. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra những ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời trong tác phẩm, ý nghĩa về sự sinh tồn và khát khao hiện thực hóa ước vọng, khát khao được sống với chính mình. Đã có lúc Mầm Lá khiến người đọc tưởng chừng cô buông xuôi nhưng ước vọng mãnh liệt đã mang Mầm Lá trở lại: “Mình không biết tại sao mình lại sống như thế này nữa. Lẽ nào vì mình mang trong mình một ước vọng chăng?”. Nếu như tự vấn giúp Mầm Lá hiểu được chính mình thì băn khoăn là cách Mầm Lá tìm hiểu quy luật môi trường xung quanh. Không ít lần Mầm Lá băn khoăn về sự khác nhau giữa cô và gà mái trong vườn, cho đến khi cô hiểu được sự khác biệt không xuất phát từ nòi giống mà là từ sự phân tầng đẳng cấp xã hội.

Như vậy, hành trình truy tìm bản thể của Mầm Lá là một quá trình khó khăn, khốc liệt chống chọi với mọi thử thách và dám từ bỏ cuộc sống an toàn trong giam hãm hiện tại để hiện thực hóa ước vọng. Phải chăng tập truyện Cô gà mái xổng chuồng muốn đặt cho độc giả câu hỏi: “Chấp nhận là cô gà mái công nghiệp ăn no rồi đẻ trứng hay cuộc sống tự do, sống với chính mình?”

Hành trình tìm kiếm chính mình của Mầm Lá còn chứa đựng yếu tố thiên tính nữ. Trong Cô gà mái xổng chuồng, Hwang Sun-mi đã đặt vấn đề về thiên tính nữ qua những hành động, suy nghĩ của Mầm Lá và hình ảnh mang tính ẩn dụ cho mẹ thiên nhiên như cây Mimosa, như cánh đồng bao la bát ngát che chở cho mẹ con Mầm Lá và Đầu Xanh. Nhờ cây Mimosa, Mầm Lá khao khát cuộc sống tự do, sống với ước vọng của chính mình, cây Mimosa là nơi che chở cho Mầm Lá khi cô bị đồng loại xa lánh, bỏ rơi trong vườn. Và cánh đồng là hình ảnh nối tiếp của cây Mimosa, đại diện cho mẹ thiên nhiên che chở cho Mầm Lá khi quyết định rời bỏ cuộc sống ở khu vườn đầy rẫy sự ích kỷ và lãnh cảm. Trong các sáng tác của Hwang Sun-mi, thiên nhiên luôn đóng một vị trí quan trọng, bởi lẽ, ở các nước phương Đông nói chung và Hàn Quốc nói riêng, thiên nhiên là nơi che chở, bao bọc con người. Cây hoa Mimosa trong vườn hay cánh đồng bao la, bụi hồng… là chứng nhân cho quá trình Mầm Lá thoát khỏi sự lệ thuộc và phát triển tự do theo đúng bản chất. Như vậy, có thể nói, hình ảnh thiên nhiên trong Cô gà mái xổng chuồng mang yếu tố tính mẫu rất cao. Nếu thiên tính nữ của thiên nhiên thể hiện ở sự che chở thì thiên tính nữ ở Mầm Lá chính là những xúc cảm, những khát vọng rất đời thực như gia đình và được làm mẹ, nhưng tất cả đều bị chối bỏ khi sống trong chuồng gà công nghiệp.

Thiên tính nữ thể hiện ở khát khao, ước vọng của Mầm Lá. Khi còn là cô gà mái trong chuồng, Mầm Lá đã từng ước ao được làm một người mẹ trọn vẹn, được ôm ấp và sinh nở con yêu. Ao ước tưởng chừng như giản đơn: “Chỉ cần một lần được ấp trứng thôi, chỉ cần một lần được nhìn thấy gà con ra đời thôi…” , nhưng là ước vọng xa vời của cô gà mái công nghiệp với cuộc sống cầm tù và đã không còn đẻ được trứng. Có rất nhiều lần Mầm Lá mong muốn được đẻ trứng và ấp nở đàn con như cô Gà Mái ngoài sân vườn, và Mầm Lá vẫn tin rằng chỉ cần được ra khỏi chuồng gà thì cô có thể làm được điều đó. Mọi ao ước lẽ ra là những điều hiển nhiên phải có, thế nhưng với Mầm Lá thì khác, cô sinh ra để làm một cô gà mái công nghiệp mất tự do, chỉ có mỗi nhiệm vụ duy nhất là ăn no rồi đẻ trứng. Đã có rất nhiều lần Mầm Lá tưởng tượng được cùng Gà Trống dạo chơi trên cánh đồng, cùng nhau kiếm ăn và ấp nở đàn con, Gà Trống ga lăng sẽ bảo vệ cô. Nhưng có lẽ mọi thuộc tính về bản năng dường như không thuộc về những kẻ mất tự do hoặc những kẻ ngoài rìa xã hội. Có lẽ khát vọng được yêu thương, được chăm con quá mãnh liệt mà ngay cả trong giấc mơ Mầm Lá cũng hạnh phúc về điều đó. Nhưng niềm hạnh phúc của Mầm Lá, niềm hạnh phúc khiến cô “ngậm cười rồi bất tỉnh” chỉ là những huyễn tưởng trong vô thức. Hóa ra, bù lại những hạnh phúc bình dị chính đáng của một cô gà mái, cuộc sống của Mầm Lá là những chuỗi ngày cảm thấy trống rỗng khi quả trứng vừa ra đời lại bị đoạt mất, là lúc Mầm Lá trào nước mắt khi quả trứng non nớt bị ông chủ ném đi và bị Bác Chó già ngoạm mất. Đó là nỗi đau bị tước đoạt bản thể, nỗi đau của tình mẫu tử, nỗi đau bị xem như công cụ và là bi kịch của giới nữ. Và lời tự vấn: “Nếu không thể đẻ trứng, vậy thì mình sống để mong đợi gì đây?” như khẳng định ý nghĩa tồn tại của Mầm Lá là được làm mẹ!
Thiên tính nữ trong Cô gà mái xổng chuồng còn thể hiện ở hành động. Ai cũng biết rằng mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất và khao khát làm mẹ ở giới nữ là thiên tính, Mầm Lá cũng thế dẫu cô sinh ra chỉ để làm một cô gà mái công nghiệp. Khởi phát từ những ước mơ mang đậm bản năng bẩm sinh cao cả, Mầm Lá đã chứng tỏ mình có trái tim xứng đáng để làm mẹ khi bắt gặp quả trứng trong bụi hồng rậm rạp. Nơi bụi hồng yên tĩnh, lần đầu tiên Mầm Lá được ấp trứng, lần đầu tiên cô cảm nhận thấy “hơi ấm mà sinh mạng nhỏ bé ở dưới lồng ngực truyền sang cho mình”. Lúc này, hành động và tận sâu trong nội tâm của Mầm Lá đã hình thành ba trạng thái với cấp độ tăng dần. Đầu tiên, Mầm Lá đã hạnh phúc và có phần mãn nguyện dù chỉ được ấp trứng cho đến khi mẹ quả trứng quay lại nhưng sau khi cảm nhận được hơi ấm của quả trứng, ước vọng làm mẹ mạnh mẽ khiến Mầm Lá đã có phần hơi ích kỷ, cô đã cảm thấy may mắn khi tới đêm khuya vẫn không có ai về bụi hồng. Và khi bắt đầu có những cử chỉ yêu thương, bằng cảm xúc mãnh liệt khi được ấp trứng, Mầm Lá bắt đầu có ý nghĩ chiếm đoạt quả trứng bằng tình yêu: “Đây là quả trứng của mình. Đứa con có thể nghe được câu chuyện của mình, quả trứng của riêng mình” , và “nếu mẹ của quả trứng có xuất hiện, có lẽ cô cũng không trao lại cho đâu”. Tình yêu của Mầm Lá dành cho quả trứng là tình yêu đã được nhen nhóm, khao khát từ lâu. Là tình yêu mà cô đã đánh đổi cả sự yên bình để tìm kiếm. Mầm Lá đã tìm được bản thể của mình nhờ trái tim mãnh liệt, nóng bỏng của người mẹ dù không đẻ được trứng. Sự tăng tiến ý nghĩ muốn chiếm giữ và chăm sóc quả trứng xuất phát từ khao khát làm mẹ cháy bỏng, và từ đây Mầm Lá đã được làm mẹ. Bằng trái tim nhạy cảm đầy yêu thương, Mầm Lá có thể nghe rõ nhịp tim đập rất nhẹ nhàng bên trong cái vỏ. Để ấp nở và chăm sóc quả trứng, Mầm Lá đã phải chịu đựng bao vất vả, nhọc nhằn và tủi hổ. Tình mẹ là bao la và thiêng liêng đến vô tận, biết bao lần Mầm Lá phải đối mặt và đấu tranh với mụ chồn để bảo vệ Đầu Xanh. Và cũng vì sự an toàn của con, Mầm Lá từ bỏ cuộc sống tự do để quay lại gia đình sân vườn, nơi mà cô chỉ là kẻ lang thang không được thừa nhận. Đặc biệt, tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng đã thể hiện được tình mẫu tử thiêng liêng ở tình huống đầy nhân văn, khi Mầm Lá nhầm tưởng Đầu Xanh đã bị mụ chồn ăn thịt, cô đã phó mặt mọi thứ cho sự đời. Ở chi tiết này, có thể thấy đối với Mầm Lá, Đầu Xanh là lẽ sống, là lý do để cô tồn tại. Và đây là chi tiết thể hiện thiên tính nữ rõ nét nhất ở Mầm Lá, một người có thể mạnh mẽ đến mãnh liệt hay yếu mềm buông xuôi cũng đều vì con mình. Hơn nữa, khi người ta yêu thương một ai, họ sẽ tìm mọi cách để người đó có thể bên mình mãi mãi, nhưng Mầm Lá thì không, cô đã khuyên Đầu Xanh bay theo bầy, hãy làm chủ bầu trời, hãy thực hiện ước mơ của mình. Tình yêu cao thượng đó chỉ có thể là tình yêu của một người mẹ, một người mẹ vĩ đại.
Như vậy, tình mẹ bao la vô bờ bến của Mầm Lá thể hiện suốt thời gian bắt đầu ấp trứng cho đến khi Đầu Xanh trưởng thành. Và đến khi Đầu Xanh tìm được cuộc sống thật sự của mình cùng đồng loại rồi cất cánh làm chủ bầu trời xanh, Mầm Lá chấp nhận làm mồi ngon cho mụ chồn, để mụ có thể chăm sóc những sinh linh bé nhỏ vừa lọt lòng của mụ, có lẽ điều này xuất phát từ sự đồng cảm của trái tim người mẹ dạt dào yêu thương. Với Cô gà mái xổng chuồng, Hwang Sun-mi đã xây dựng những hình ảnh, nhân vật thể hiện đầy đủ thiên tính nữ với những ý nghĩa sâu sắc, trong đó có tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp và đầy hi sinh. Nhân vật Mầm Lá giống như tán lá che chở cho những mầm xanh yếu ớt. Mầm Lá đã sống cho khát vọng, sống cho thiên tính thiêng liêng của mình và chết cho tình yêu, sự đồng cảm, hi sinh. Mầm Lá xứng đáng là “một người mẹ vĩ đại’’!
Không chỉ dừng lại ở vấn đề truy tìm bản thể và thiên tính nữ, Cô gà mái xổng chuồng còn mang một thông điệp, một ý nghĩa đầy tính hiện thực, đó là sự phân tầng trong xã hội. Khi mới đến gia đình sân vườn, Mầm Lá đã từng vẽ ra viễn cảnh về một gia đình hạnh phúc, nhưng sau đó cô mới biết rằng mình thật sự là “kẻ bỏ đi” bởi chính đồng loại. Đồng cảnh ngộ với Mầm Lá là Vịt Trời, cậu ta luôn đi sau đàn và là kẻ thấp cổ bé họng trong gia đình sân vườn. Mầm Lá đã từng băn khoăn: “Tại sao tôi không được sống trong vườn? Tôi cũng là gà mái giống như cô Gà Mái trong vườn thôi mà” . Và cô dần hiểu rằng: “Không phải cứ cùng một dòng giống thì yêu thương nhau đâu” . Trong thế giới loài vật ở gia đình sân vườn có rất nhiều sự phân chia như phân chia giữa gà và vịt, giữa đầu đàn và thành viên, giữa kẻ thống trị và kẻ dưới, giữa những người trong gia đình với người mới đến,… tất cả những điều đó tạo nên một xã hội thu nhỏ với mọi tầng lớp, đẳng cấp. Và chính những điều đó tạo cho Mầm Lá một mặc cảm về thân phận, thân phận của một kẻ lang thang không được phép quên đi. Với sự phân tầng của thế giới loài vật này làm người đọc liên tưởng đến xã hội loài người với nhiều tầng lớp, đẳng cấp đang mất dần sự cảm thông, chia sẻ. Tất cả nói lên sự lỏng lẻo của những mối liên hệ, sự lỏng lẻo của tình yêu thương ngay cả đối với đồng loại. Cô gà mái xổng chuồng đã giúp người đọc nhìn lại để suy ngẫm về xã hội hiện thời, ý nghĩa của nó không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn cho tất cả những ai đang sống.
Sự phân chia đẳng cấp và chức năng xã hội đã dẫn đến những bi kịch trong đời sống tinh thần của Mầm Lá, Đầu Xanh cũng như Vịt Trời. Bi kịch đầu tiên có thể nói đến đó là bi kịch bị tước đoạt bản thể. Mầm Lá, Vịt Trời đều từng là những nạn nhân của sự tước đoạt này. Sinh ra là cô gà mái công nghiệp, Mầm Lá không biết thế nào là hạnh phúc gia đình, không biết đến cảm giác ấp trứng và chứng kiến gà con ra đời. Bi kịch của cô là bi kịch của sự mất tự do, bị ràng buộc vào người khác, bị gán ghép, ép buộc thực hiện một chức năng không là lẽ sống của cuộc đời, đó là chỉ ăn no rồi đẻ trứng, những quả trứng không thể ấp nở được. Bi kịch của Mầm Lá là bi kịch không được làm mẹ, bi kịch bị tước đoạt thiên tính thiêng liêng của giới nữ. Tất cả những bi kịch của Mầm Lá đều do cô chỉ là gà mái công nghiệp! Trong Cô gà mái xổng chuồng, Vịt Trời là nhân vật có cùng chung số phận với Mầm Lá. Vốn là vịt hoang tự do trên bầu trời nên Vịt Trời là kẻ lang thang trong mắt lũ vịt nhà, và là thành viên thấp cổ bé họng trong gia đình sân vườn. Vịt Trời khao khát được bay, được trở về với bầu trời bao la rộng lớn, được làm chủ bầu trời nhưng sự độc ác của mụ chồn đã cướp đi điều đó, biến cậu thành một kẻ lang thang lặng lẽ. Bi kịch thứ hai trong Cô gà mái xổng chuồng đó là bi kịch không được thừa nhận. Mầm Lá đã từng hi vọng sẽ trở thành một thành viên trong gia đình sân vườn, nhưng cô đã gặp ngay sự chối bỏ của đồng loại một cách đau đớn, nặng nề. Lời nói của Gà Trống “chẳng ai mong cô ở đây cả” [3, tr.44] đã phá hủy những mộng mơ về cuộc sống êm bên Gà Trống, và cô hiểu ra rằng “không phải cứ cùng một dòng giống thì yêu thương nhau đâu” [3, tr.148]. Cũng như những nhân vật bất hạnh khác, Đầu Xanh luôn buồn lòng vì mình không phải là gà cũng chẳng phải là vịt nhà, ước muốn hòa nhập với đàn vịt hoang nhưng lại bị ghẻ lạnh. Trái tim Mầm Lá đã nhói đau khi Đầu Xanh bị dòng giống của mình lạnh nhạt, bởi lẽ hơn ai hết, Mầm Lá hiểu thế nào là bi kịch không được thừa nhận, bị kịch của sự chối bỏ do chính đồng loại của mình.
Như vậy, vấn đề sự phân tầng đẳng cấp trong Cô gà mái xổng chuồng thể hiện ở sự phân chia tầng bậc trên dưới trong gia đình sân vườn. Sự phân chia đẳng cấp đã mang đến bi kịch về sự tước đoạt bản thể, bi kịch không được thừa nhận. Qua Cô gà mái xổng chuồng, Hwang Sun-mi đã đặt ra vấn đề về sự thờ ơ giữa đồng loại và bi kịch của những người đứng ngoài rìa xã hội.
Tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng được kết cấu 12 chương, trong đó có 11 chương là nội dung tác phẩm, chương cuối là Lời bạt Câu chuyện về cô gà mái mang trong mình một tâm nguyện mãnh liệt và biến điều đó thành hiện thực của nhà phê bình văn học thiếu nhi Kim Seo-Jung. Đúng với thể loại truyện dành cho thiếu nhi, Cô gà mái xổng chuồng có kết cấu tuyến tính theo sự phát triển của nhân vật chính là Mầm Lá. Ngoài ra, tương ứng với cái tên Mầm Lá, thời gian trong tác phẩm trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông với nhiều đổi thay và phát triển cũng không ít nguy hiểm khó khăn cho nhân vật. Và mùa đông đến cũng là lúc những chiếc lá phải chia tay với gia đình cây cối của mình để giữ ấm cho mặt đất, để mầm non ra đời, phát triển, do ý nghĩa trên, cái chết ở cuối câu chuyện của Mầm Lá buồn nhưng thật đẹp. Ngôn ngữ trong Cô gà mái xổng chuồng trong sáng, giản dị mà tinh tế. Cấu trúc ngôn ngữ ấy đem đến sự tiếp cận dễ dàng cho độc giả, đặc biệt là thiếu nhi trong vấn đề tiếp nhận và cảm thụ ý nghĩa câu chuyện. Tác phẩm còn xen các dòng độc thoại và độc thoại nội tâm cho nhân vật nhằm tạo sự sinh động cho tính cách nhân vật. Trong tác phẩm, Mầm Lá là nhân vật rất nhiều lần độc thoại như “Tại sao mình phải ở trong chuồng, còn các cô gà mái kia lại được ở ngoài vườn?” hay “Mình chẳng thể hiểu nổi. Tại sao thế chứ?”. Với việc sử dụng độc thoại và độc thoại nội tâm, Hwang Sun-mi đã mang đến cho độc giả cái nhìn khách quan về thế giới nội tâm nhân vật. Và với độc giả nhí, việc xây dựng thế giới nội tâm nhân vật làm tăng tính hấp dẫn, cuốn hút, dễ tạo được sự đồng cảm, vì vậy ý nghĩa câu chuyện sẽ được các em cảm thụ tốt hơn.

Một điều đặc biệt trong Cô gà mái xổng chuồng của Hwang Sun-mi là yếu tố ngụ ngôn trong tác phẩm. Như đã nói, đây là tác phẩm vượt qua mọi giới hạn về thể loại để chạm đến mọi đối tượng độc giả, cho nên, thế giới loài vật trong tác phẩm mang hình ảnh ẩn dụ cho thế giới loài người với nhiều ý nghĩa. Hình ảnh, tính cách, suy nghĩ của các nhân vật rất người, có lẽ yếu tố nghệ thuật này không chỉ để tạo sự hấp dẫn của câu chuyện, mà ẩn đằng sau nó là sự cảnh tỉnh cho một xã hội đang dần xa cách. Tính cách của các nhân vật chính diện trong tác phẩm như Mầm Lá, Vịt Trời… đều mang những ý nghĩa giáo dục rộng lớn, sâu sắc. Nhân vật trong tác phẩm chia thành hai tuyến song song tồn tại là chính diện (Mầm Lá, Vịt Trời, Đầu Xanh) và phản diện (mụ Chồn). Hai kiểu nhân vật này tồn tại theo trò ú tim, một bên săn đuổi và một bên chạy trốn để tìm kiếm bình yên. Khi trò chơi kết thúc cũng là lúc một bên không còn tồn tại. Tuy nhiên, trong tác phẩm, cái chết của Vịt Trời là cái chết vì thế hệ tương lai, cái chết đổi lấy sự sống cho Đầu Xanh, Đầu Xanh sẽ thay Vịt Trời làm chủ bầu trời. Cái chết của Mầm Lá là cái chết vì đã được sống với chính bản thể, cái chết khi nhiệm vụ cao đẹp của cõi đời đã hoàn thành, cái chết của Mầm Lá còn thể hiện sự đồng cảm của trái tim người mẹ. Do đó, cái chết của tuyến nhân vật chính diện không mang không khí sầu thảm mà cho thấy ý nghĩa đầy tính nhân văn. Như vậy, yếu tố ngụ ngôn trong tác phẩm đã giúp sáng tác đến gần với mọi đối tượng độc giả.
Hwang Sun-mi, Cô gà mái xổng chuồng, cảm nhận văn học Hàn Quốc.

Cô gà mái xổng chuồng là tác phẩm đặc biệt thành công của nữ nhà văn xứ kim chi, Hwang Sun-mi ở cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc không chỉ cho đối tượng thiếu nhi mà còn cho những người bận rộn với cuộc sống xô bồ đang dần lãng quên và đánh mất chính mình. Tác phẩm đã đặc biệt thành công ở việc xây dựng hệ thống nhân vật có tính cách như con người, từ đó nói lên những vấn đề về tình yêu thương và sức mạnh để hiện thực hóa ước mơ. Không quá sa vào chủ nghĩa hình thức hay chạy theo xu hướng văn học thị trường, Hwang Sun-mi chọn cho những đứa con tinh thần của mình lối hành văn giản dị, trong sáng mà tinh tế đầy ý nghĩa. Yếu tố ngụ ngôn trong tác phẩm phần nào giúp câu chuyện tựa đồng dao lắng đọng, ngọt ngào nhưng đánh thức được trái tim của độc giả ở những hiện tượng hiện thực trong xã hội như vấn đề bản thể, tình yêu và sự phân tầng đẳng cấp. Với những thành công của tác phẩm, Cô gà mái xổng chuồng trở thành tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc đầu tiên được nhà xuất bản Penguin (Chim cánh cụt) của Mỹ xuất bản và xếp vào thể loại tiểu thuyết. Và “nếu có ai chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm ly biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì thế đến một lúc nào đó, nỗi buồn không thể kéo dài mãi”!

Nguồn Thảo Khuy

Bã cà phê và những công dụng tuyệt vời !

Nghiên cứu cho thấy con người đang rất lãng phí bã cà phê. Đây là giá trị ứng dụng và mẹo tái chế hàng ngày mà mỗi người đều nên biết. Bạn có thể sẽ trầm trồ với tác dụng của nó.
Các nhà nghiên cứu xem bã cà phê là một “bảo bối”
Theo ước tính của Viện Công nghệ Hoàng gia Đại học Melbourne (Úc), mỗi ngày có khoảng gần 6 triệu tấn bã cà phê được đổ vào bãi rác.
Bã cà phê chính là bột cà phê sau khi đã sử dụng bị bỏ lại được các nhà nghiên cứu khẳng định chúng có tiềm năng ứng dụng không giới hạn. Ví dụ như có thể làm nhiên liệu sinh học, thực phẩm lành mạnh và phân bón hữu cơ.
Nghiên cứu được các nhà khoa học công bố trên trang web Đối thoại (Dialogue) cho biết, bã cà phê sau khi đổ bỏ, phải được ủ lại ít nhất 98 ngày cho chúng bị phân hủy hoàn toàn. Đây cũng là thời điểm mà chất bã này có thể làm phân bón, đem lại lợi ích cho thực vật từ chất dinh dưỡng giàu nitơ và kali.
Bã cà phê không chỉ cung cấp một giải pháp thay thế phân bón nông nghiệp tự nhiên, thân thiện với môi trường và rẻ tiền mà còn có hiệu quả trong việc điều chỉnh và làm tăng độ màu mỡ của đất, cải thiện chất đất nông nghiệp.
Bã cà phê cũng có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nhiều loại hóa chất, bao gồm enzyme và hoocmon, để tiêu hóa các hợp chất sinh học thông thường, hoặc để trồng nấm, tạo nguồn vi khuẩn và sử dụng tốt cho các loại cây trồng khác.
Một chiết xuất khác có trong bã cà phê chính là chất acid chlorogenic, có tính chất chống oxy hoá, chống ung thư và các tính chất bảo vệ thần kinh. Dầu cà phê thậm chí còn được sử dụng sản xuất nhiên liệu cho xe buýt ở London (Anh).
Mặc dù bã cà phê được công nhận là có rất nhiều cách sử dụng tiềm năng phục vụ tốt cho cuộc sống và môi trường, nhưng tại sao người ta phải vứt bỏ nguồn tài nguyên quý giá này?
Các nhà nghiên cứu giải thích, hiện nay việc thúc đẩy phát triển và sản xuất bã cà phê vẫn đang trong quá trình thực hiện ở giai đoạn đầu. Do cà phê là món đồ uống rất phổ biến, nên một số doanh nghiệp đã bắt đầu thương mại hóa việc sử dụng lại bã cà phê.
Hi vọng trong thời gian không xa, sẽ có một hệ thống thiết bị công nghệ chế biến hoàn hảo hơn để tận dụng hết đầy đủ kho báu mà hạt cà phê mang đến cho con người.
Một số cách dùng bã cà phê tuyệt vời bạn có thể áp dụng
1. Chất tẩy rửa tự nhiên
Các bã cà phê sử dụng để tẩy rửa đồ làm bếp, chậu rửa mang lại sự khác biệt rất lớn. Dùng bã cà phê tẩy đồ dùng có thể loại bỏ dầu mỡ, làm sạch thiết bị, khử mùi .
Trong bã cà phê có chứa than hoạt tính có thể hấp thụ nhiều bụi bẩn nhỏ, giúp bạn có thể loại bỏ các vết bẩn cứng đầu trên bộ đồ ăn, trộn bã cà phê vào sữa rửa tay có thể giúp khử trùng và ô nhiễm tốt hơn.

2. Chất khử mùi tự nhiên
Những người hay uống cà phê sẽ không nên bỏ qua cơ hội tái sử dụng bã cà phê để làm chất khử mùi hoàn toàn tự nhiên và có hương thơm dễ chịu.
Dùng bã cà phê cho vào 1 chiếc lọ/bát/hộp nhỏ để vào phòng tắm, sẽ khử mùi nhanh và hiệu quả. Hoặc có thể cho bã cà phê vào túi vải, cho vào tủ giày hoặc cho vào giày, không những giúp giày thơm hơn mà có thể loại bỏ ẩm mốc, khử mùi hôi giày hiệu quả rõ rệt.
Tương tự, bạn nên bỏ túi bã cà phê trong tủ lạnh để thay thế chất khử mùi, để ở góc văn phòng giúp ngăn ngừa vi khuẩn.
Bạn cũng có thể để túi bã cà phê bất kỳ nơi đâu trong không gian sinh hoạt của bạn để có thể loại bỏ mùi khó chịu, thanh lọc không khí.

3. Chất làm đẹp chăm sóc da tự nhiên
Nếu bạn yêu thích làm đẹp thì gần như đã nghe đến công dụng làm đẹp từ bã cà phê. Bã cà phê có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất béo và làm giảm chất béo dư thừa dưới da. Trộn bã cà phê và các loại tinh dầu trên da, và có tác dụng làm mềm mịn dạ, loại bỏ chất nhờn trên da, làm căng da và sạch thoáng lỗ chân lông.
Ở các vùng dễ dàng tích lũy mỡ như đùi, bụng, cánh tay, hông, mát xa cơ thể với bã cà phê cũng có thể làm giảm số đo. Bạn có thể trộn bã cà phê trong một xà phòng hoặc sữa tắm thay cho bọt biển hoặc miếng đá kỳ dùng khi tắm, giúp làm sạch các lỗ chân lông và tẩy da chết, có thể làm cho làn da mịn hơn.
4. Chất chống rỉ tự nhiên
Trong bã cà phê có một lượng tinh dầu nhất định, phơi khô cho vào túi vải không dệt hoặc túi gạc để có thể làm một cái bao đựng kim khâu. Đây là cách làm cho kim được sáng bóng, mới, không bị hoen rỉ và bảo quản an toàn.
Bã cà phê phơi khô, cho vào túi vải, chà xát lên đồ gỗ có thể thay thế miếng đánh bóng.
Nếu trong nhà có đồ đồng, dùng bã cà phê đánh bóng bên mặt ngoài, có thể làm cho đồng sáng bóng, không bị mốc hỏng, là giải pháp bảo dưỡng dụng cụ bằng đồng.
5. Thuốc trừ sâu tự nhiên
Bạn có thể rắc một ít bã cà phê vào chậu cây hoặc vườn nhà, có tác dụng trừ sâu bọ rất tốt.
Nếu bạn nuôi thú cưng như chó mèo, chúng bị bệnh bọ chét hoặc rận trên người, nên bôi chút bã cà phê trên lông rồi chải đi chải lại nhiều lần, loại bỏ rận bọ, không cần dùng đến chất hóa học hay thuốc, mà lại giúp thú cưng có mùi thơm dễ chịu.
Cho bã cà phê vào chậu cây hay gốc cây trồng, giúp cho cây phòng bệnh hiệu quả, giảm sự tấn công của côn trùng.
6. Thuốc nhuộm tự nhiên
Một số đồ dùng gia đình màu tối nếu bị xước hỏng, dùng ít bã cà phê bôi lên vùng bị xước, chờ khô rồi dùng vải ướt lau lại, vùng xước sẽ mờ bớt đi, tương đồng hơn với màu của đồ đạc.
7. Phân bón tự nhiên
Bã cà phê được xem là chất có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng của thực vật, hãy đổ nó vào chậu cây hoặc đổ ra vườn, có tác dụng như là một loại phân bón không có mùi khó chịu.