Ngư tiều vấn đáp Y thuật - một tập sách quý của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, do tác giả Lê Quý Ngưu phiên âm, chú giải, vừa được Nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành.
Nguyễn Đình Chiểu |
Ấn tượng đầu tiên đối với người đọc là tập sách được in ấn khá công phu, với cả 2 phần chữ Quốc ngữ và chữ Nôm. Vốn là một lương y, Lê Quý Ngưu tâm sự: “Tôi muốn bạn đọc hiểu một cách tường tận, từ đó quý mến, trân trọng sách của Nguyễn Đình Chiểu nên quyết định in song ngữ Nôm và Quốc ngữ, với những chú thích kỹ càng, tường tận. Để hoàn thành tập sách, tôi đã bỏ công gần 10 năm trời, với mục đích giúp cho các thầy thuốc Đông y có tài liệu Đông y bằng chữ Nôm của chính người Việt Nam viết”.
Nói đến Nguyễn Đình Chiểu hẳn chúng ta đều biết đến nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Lục Vân Tiên; Dương Tử Hà Mậu; Tứ thơ ngũ kinh gia huấn ca; Tam thập lục nạn; Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây… Riêng Ngư tiều vấn đáp Y thuật – tập sách kể chuyện Mộng Thê Kiều và Đào Tử Nhược không chịu sống dưới ách ngoại bang, đã rời quê hương đi ở ẩn, thành Tiều và Ngư. Đời sống quá cực khổ, vợ con ốm đau liên miên. Tiều có 5 người vợ thì 4 bị chết, còn Ngư thì 10 đứa con chết 8… Thương nỗi mình, cám cảnh đồng bào, Ngư và Tiều tìm thầy học, rồi đi chữa bệnh cho cộng đồng. Qua tập sách, Nguyễn Đình Chiểu dốc lòng giới thiệu nghề thuốc của mình, nhất là về y thuật (gồm các phần: Mạch, chế dược, vận khí, thương hàn, sản phụ, nhi khoa…).
Đối với nguyên nhân gây ra bệnh tật, tác giả chỉ rõ: “mũi thời tham vị hươngvinh/Miệng thời tham béo, ngọt, thanh, rượu, trà/Vóc thời muốn bận sô, sa/Bụng thời muốn ở cửa nhà thếp son”. Về phương pháp chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, tác giả cũng phân tích cụ thể về việc chẩn đoán bệnh qua Tâm – Can – Tỳ – Phế – Thận; qua kinh lạc, ngũ tạng, lục phủ, mạch… Đơn cử như tạng Can, tác giả viết: “Tạng can thuộc mộc, cây vào mùa xuân/Sắc xanh con mắt là chừng/Hoa ra giáp mấy giây gân buộc ràng”. Đáng lưu ý, qua Ngư tiều vấn đáp Y thuật, Nguyễn Đình Chiểu đề cao lương tâm của người thầy thuốc:“Thấy người đau, giống mình đau/Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành".Đồng thời, ông nghiêm khắc phê phán những người “khoác áo lương y” nhưng lại “quên” chức trách của mình: “Học thầy nào dạy cho mày/Làm ngay không phép hại bầy sinh linh/Cả gan riêng lập phép hình/Khảo dân lấy của lung tình ăn chơi”. …
Ngư tiều vấn đáp Y thuật là tập sách dạy học làm thuốc chữa bệnh, với 3644 câu. Để giúp người đọc dễ nhớ, Nguyễn Đình Chiểu đã viết theo lối văn vần kiểu tiểu thuyết thơ ca – một phong cách viết khá thịnh hành tại miền Nam đương thời. Trong phần giới thiệu sách, gần như “Tuyên ngôn” của người thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Từ xưa tới nay, sách thuốc rất nhiều. Người thầy thuốc không khỏi phàn nàn về nỗi quá ư man mác. Nên học không có nơi căn cứ, thì khi xét bệnh không khỏi bỡ ngỡ như vào chỗ không, như ngọn gió mà không biết dừng vào đâu nữa. Vì bệnh thì biến hoá hư hư, thực thực, phương chữa thì nên chính, tòng, gốc, ngọn, công, bổ, cái nào trước, cái nào sau, phải cân nhắc để chọn dùng. Xem xét, chữa trị sai sót sẽ quan hệ đến sự sống chết, để không thể không cẩn thận hay sao? Cho nên người làm thuốc cần phải biết tuỳ cơ ứng biến mà thôi!”. Từ đó, Nguyễn Đình Chiểu yêu cầu: “Đạo y ở nửa Dịch kinh/Chưa thông lẽ Dịch sao rành chước y?..../Học cho thấy Đạo thì lòng mới an”. Cũng chính từ quan điểm trên, Nguyễn Đình Chiểu làm sách để truyền thụ cho dấn gian kiến thức nghề thuốc và y đức của người thầy thuốc. Đó chẳng phải là điều đáng kính trọng sao? Ngư tiều vấn đáp Y thuật thấm đẫm tinh thần ấy nên nó được truyền tụng cho mãi đến tận bây giờ và cả mai sau.
Cảm nhận tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu, lương y Lê Quý Ngưu trân trọng cho xuất bản lại Ngư tiều vấn đáp Y thuật. Không chỉ có vậy, với sự hiểu biết về Đông y, sự làm việc tận tâm, tận tuỵ, lương y còn tham khảo nhiều sách và chú thích hết sức rõ ràng, tường tận, từng chữ, từng từ… để người đọc tiấp cận tập sách một cách chuẩn xác, sâu rộng…Do vậy, 850 trang sách không kể việc in song ngữ nôm và Quốc ngữ, chỉ riêng với hàng nghĩa chú giải là một công trình hết sức công phu. Ngư tiều vấn đáp Y thuật do NXB Thuận Hoá ấn hành quả là một cố gắng không nhỏ, nhất là sự phối hợp giữa người phiên âm, chú giải và NXB. Có thể nói, đây là tập sách khá hoàn chỉnh và rất có hữu ích đối với người nghiên cứu y thuật và cả nghiên cứu văn học.