Vaccine có hại cho cơ thể. Mang súng bên mình khiến ta an toàn hơn. Có thể bạn không tin, nhưng người khác thì có. Có thể những niềm tin đó đều là sai, họ vẫn cứ tin. Có thể đã có ai đó chứng minh rằng họ sai, nhưng họ vẫn cứ tin thế thôi.
Nghiên cứu mới về tâm lý con người cho thấy những hạn chế của lý trí.
Vào năm 1975, các nhà nghiên cứu tại Stanford mời một nhóm sinh viên tham gia thực nghiệm về tự tử. Họ được xem những cặp di ngôn. Trong mỗi cặp, một bên được viết bởi một người bất kỳ, một bên được viết bởi một người đã tự tử. Sau đó các sinh viên phải chỉ ra đâu là di ngôn thật và đâu là di ngôn giả.
Một số sinh viên nhận thấy mình rất có năng khiếu khi thực hiện nhiệm vụ này. Trong số hai mươi lăm cặp di ngôn, họ nhận biết đúng hai mươi bốn lần. Một số khác lại khá chật vật. Họ chỉ nhận biết được đúng mười lần.
Cũng như những nghiên cứu tâm lý học khác, viễn cảnh trên đã được sắp đặt. Dù một nửa số di ngôn là thật - chúng được thu thập từ văn phòng điều tra những cái chết bất thường ở Los Angeles - nhưng điểm số đã được hư cấu. Những sinh viên được khích lệ là họ đoán đúng hết thực chất không sáng suốt hơn những người được bảo rằng họ toàn đoán sai.
Trong giai đoạn thứ hai của thực nghiệm, các sinh viên được tiết lộ rằng họ đã bị lừa trong giai đoạn đầu. Họ được bảo rằng mục đích thật sự của thực nghiệm là để đánh giá phản ứng của họ về việc nghĩ rằng mình đúng hoặc sai. (Điều này cũng là nói dối.) Cuối cùng, các sinh viên được yêu cầu ước lượng xem mình nhận biết đúng được bao nhiêu di ngôn, và họ nghĩ người khác trung bình đoán đúng được bao nhiêu lần. Lúc này, một điều khá thú vị xảy ra. Những sinh viên ở nhóm điểm cao cho rằng họ đã làm rất tốt - vượt trội hơn so với người bình thường - mặc dù họ vừa được biết là mình không có cơ sở gì để tin vào điều đó cả. Ngược lại, những người thuộc nhóm điểm thấp cho rằng họ làm tệ hơn người bình thường rất nhiều - cũng là một kết luận không có cơ sở.
“Một khi đã được hình thành,” các nhà nghiên cứu nhận định, “những ấn tượng sẽ bén rễ bền vững trong tâm trí.”
Một vài năm sau, một nhóm sinh viên khác của Stanford được triệu tập cho một nghiên cứu liên quan. Các sinh viên được đưa cho những mẩu thông tin về hai người lính cứu hỏa, Frank K. và George H. Lý lịch của Frank ghi rằng, ngoài những điều cần biết khác, anh ta có một cô con gái nhỏ và thích lặn biển. George thì có một cậu con trai và chơi golf. Thông tin cũng bao gồm phản ứng của hai người trong bài Kiểm tra Lựa chọn Rủi ro - An toàn. Theo một phiên bản thông tin được cung cấp thì Frank là một người lính cứu hỏa thành công, và anh luôn lựa chọn điều an toàn nhất. Trong một phiên bản khác, Frank cũng chọn những lựa chọn an toàn, nhưng anh lại là một lính cứu hỏa tệ bị cấp trên nhiều lần cho vào "bản tường trình". Một lần nữa, giữa buổi thực nghiệm, các sinh viên được biết những thông tin họ đọc đều là giả. Sau đó họ được yêu cầu mô tả niềm tin của mình. Họ nghĩ một lính cứu hỏa thành công có thái độ thế nào đối với hiểm nguy? Sinh viên nhận được mẩu tin thứ nhất nghĩ rằng người lính cứu hỏa sẽ né tránh rủi ro. Sinh viên nhận được mẩu tin thứ hai cho rằng anh ta sẽ đón nhận nó.
Ngay cả khi chứng cứ “ủng hộ niềm tin của họ bị bác bỏ, con người cũng khó có những điều chỉnh thích đáng cho niềm tin của mình”, các nhà nghiên cứu nhận định. Trong trường hợp này thì kết quả trên lại “đặc biệt ấn tượng”, vì chỉ hai kiểu dữ liệu không thể có đủ thông tin để khái quát hóa vấn đề.
Những nghiên cứu ấy của Stanford trở nên nổi tiếng. Theo một nhóm học giả ở thập niên 70, luận điểm cho rằng con người không thể suy nghĩ đúng đắn đã khiến nhiều người kinh ngạc. Nhưng điều đó đã không kéo dài lâu. Hàng ngàn thực nghiệm sau đó đã chứng thực (và bổ sung) cho nhận định ấy. Những ai theo dõi nghiên cứu ấy - hay kể cả những người thường tìm đọc tạp chí Psychology Today - biết rằng, bất kỳ sinh viên tốt nghiệp nào cũng có thể chứng minh một người trông có vẻ lý trí lại thường có những suy nghĩ phi lý. Hiện nay nhận định này đang xác đáng hơn bao giờ hết. Nhưng vấn đề cấp thiết vẫn còn đó: Chúng ta đã trở nên như hiện nay bằng cách nào?
Trong quyển sách mới của mình, “The Enigma of Reason” (Điều bí ẩn của lý trí) (Harvard), các nhà khoa học nhận thức Hugo Mercier và Dan Sperber đã thử trả lời cho câu hỏi này. Mercier, làm việc tại viện nghiên cứu ở Lyon, Pháp. và Sperber, làm việc ở Đại học Trung Âu, Budapest, chỉ ra rằng lý trí là một đặc điểm tiến hóa, như thuyết động vật đi bằng hai chân hay thuyết 3 màu cơ bản. Nó bắt nguồn từ các thảo nguyên châu Phi, và phải được hiểu trong bối cảnh đó.
Tham khảo rất nhiều tư liệu liên quan đến khoa học nhận thức, lý luận của Mercier và Sperber đại khái là như sau: Lợi thế của loài người so với các giống loài khác là khả năng hợp tác. Hợp tác rất khó thiết lập và cũng rất khó duy trì. Với bất kỳ một cá nhân nào, hoạt động tự do luôn là lựa chọn tốt nhất. Lý trí được định hình không phải để ta giải quyết những vấn đề trừu tượng, logic hay đưa ra kết luận từ những dữ liệu lạ, mà là để giải quyết những vấn đề nảy sinh khi sống trong những nhóm cộng tác.
“Lý trí là sự thích nghi với trường xã hội được loài người tạo ra cho mình,” Mercier và Sperber viết. Những thói quen tâm lý kỳ lạ và ngu ngốc đối với người theo chủ nghĩa “trí thức” lại được người theo chủ nghĩa “tương tác” xem là khôn ngoan.
Xét một thiên kiến rất quen thuộc là “thiên kiến xác nhận”, con người thường quan tâm đến thông tin ủng hộ cho niềm tin của mình và từ chối tiếp nhận thông tin bác bỏ niềm tin ấy. Trong số rất nhiều dạng suy nghĩ sai lệch được phân loại, thiên kiến xác nhận là đáng kể nhất, đó là chủ đề có nhiều thực nghiệm đến nỗi đủ đóng thành sách giáo khoa. Một trong những thực nghiệp nổi tiếng nhất được thực hiện ở Stanford (một lần nữa vần là Stanford). Trong thực nghiệm này, các nhà nghiên cứu tập hợp một nhóm sinh viên có quan điểm khác nhau về án tử hình. Một nửa số đó cho rằng án tử hình sẽ làm giảm tỷ lệ tội phạm, nửa kia phản đối và cho rằng nó không có tác dụng gì với tội phạm cả.
Các sinh viên được yêu cầu tham gia hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất cung cấp dữ liệu ủng hộ cho quan điểm án tử hình ngăn chặn tội phạm, và giai đoạn thứ hai đưa ra dữ liệu phản bác lại điều đó. Cả hai thực nghiệm - bạn đoán đúng rồi đấy - đều là giả, và dữ liệu đều là những số liệu thuyết phục như nhau, nói một cách khách quan. Những sinh viên ban đầu ủng hộ án tử hình cho rằng thông tin khớp với quan điểm của mình rất đáng tin cậy còn thông tin phản bác thì không có sức thuyết phục, những sinh viên ban đầu chống đối án tử hình thì có suy nghĩ ngược lại với nhóm kia. Ở cuối thực nghiệm, các sinh viên được yêu cầu xác nhận lại quan điểm của mình. Những người ban đầu ủng hộ án tử hình nay quan điểm càng thêm vững chắc, còn những người chống đối thì lại càng kịch liệt hơn.
Nếu lý trí được thiết kế để đưa ra những đánh giá có cơ sở, thì rất khó để nghĩ ra một bản thiết kế nào thiếu sót hơn thiên kiến xác nhận. Mercier và Sperber lấy ví dụ, thử tưởng tượng một con chuột có cách suy nghĩ giống với chúng ta. Con chuột đó, “đinh ninh rằng không có con mèo nào ở quanh đó cả”, nó sẽ nhanh chóng bị xơi thôi. Vì thiên kiến xác nhận khiến con người gạt bỏ những dấu hiệu nguy cơ - cũng như con mèo đang đứng nấp đâu đó rình con chuột - nó là một đặc tính cần được loại bỏ. Nhưng, theo Mercier và Sperber, nó vẫn tồn tại cùng loài người chúng ta có nghĩa là bản thân nó cũng có một chức năng thích nghi, và chức năng đó có liên hệ với “tập tính siêu xã hội” (hypersociability) của chúng ta.
Mercier và Sperber đặt ra một thuật ngữ là “thiên kiến phe mình” (myside bias). Họ cho rằng con người không phải lúc nào cũng nhẹ dạ. Khi đối diện với tranh luận của người khác, ta rất dễ tìm ra sai lầm của họ. Nhưng hầu như lúc nào cũng vậy, điểm mù lại chính là nơi ta đang đứng.
Một thực nghiệm gần đây được thực hiện bởi Mercier cùng một số đồng nghiệp ở châu Âu đã chứng minh sự không cân xứng này. Người tham gia được yêu cầu trả lời một loạt những vấn đề lý luận đơn giản. Sau đó họ được yêu cầu giải thích câu trả lời của mình, và được phép thay đổi câu trả lời nếu họ nhận thấy có sai sót. Phần lớn mọi người đều thỏa mãn với sự lựa chọn đầu tiên của mình, ít hơn mười lăm phần trăm số người thay đổi suy nghĩ của họ ở giai đoạn hai.
Trong giai đoạn ba, người tham gia được cho xem một trong số những vấn đề được nêu trước đó, kèm theo câu trả lời của họ và câu trả lời của người khác với nội dung khác nhau. Một lần nữa, họ được phép thay đổi câu trả lời. Nhưng có một chút lắt léo được thêm vào: câu trả lời được gắn mác là của người khác thực chất lại chính là của người đang được xem, và người lại. Gần một nửa số người tham gia nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Nửa còn lại bỗng tỏ thái độ chỉ trích. Gần sáu mươi phần trăm số người bác bỏ câu trả lời mà trước đó họ đã rất thỏa mãn.
Theo Mercier và Sperber, tính không cân xứng này phản ánh bổn phận của lý trí là ngăn chặn những người khác trong nhóm làm tổn hại đến bản thân mình. Sống trong một nhóm nhỏ những người săn bắt-hái lượm, tổ tiên của chúng ta ngay từ đầu đã quan tâm đến địa vị xã hội, và đảm bảo rằng mình không phải là kẻ chết thuê khi đi săn trong khi người khác cuộn mình ngủ trong hang. Lý luận rõ ràng hợp lý chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng cãi thắng một cuộc tranh luận thì lại được nhiều đấy.
Hai trong số rất, rất nhiều vấn đề mà tổ tiên ta không phải quan tâm đến là hiệu quả răn đe của án tử hình và những tố chất lý tưởng cho một lính cứu hỏa. Họ cũng không phải so đo những nghiên cứu giả tạo, tin tức bịa đặt, hay Twitter. Họ ngày đó cũng không thể ngờ rằng lý trí ngày nay lại khiến ta đau đầu đến vậy. Mercier và Sperber có viết, “Đây là một trong số rất nhiều trường hợp mà môi trường thay đổi quá nhanh khiến chọn lọc tự nhiên không thể theo kịp.”
Steven Sloman, giáo sư tại Đại học Brown, và Philip Fernbach, giáo sư tại Đại học Colorado, đều là các nhà khoa học nhận thức. Họ cũng tin rằng tập tính xã hội là chìa khóa giải mã chức năng, hay nói đúng hơn là thiểu năng, của tâm trí con người. Họ bắt đầu quyển sách của mình, “The Knowledge Illusion: Why We Never Think Alone” (Ảo ảnh kiến thức: Vì sao ta không bao giờ suy nghĩ một mình) (Riverhead), bằng hình ảnh cái bồn cầu.
Gần như mọi người dân Mỹ, và cả những nước phát triển, đều rất quen thuộc với bồn cầu. Một cái bồn cầu bằng ceramic chứa đầy nước. Khi ta nén tay cầm, hay nhấn nút, nước - và tất cả những gì được thải vào trong đó - bị hút xuống ống nước và trôi đến hệ thống xả thải. Nhưng việc này thực sự diễn ra như thế nào?
Trong một nghiên cứu thực hiện ở Yale, sinh viên tốt nghiệp được yêu cầu đánh giá mức độ hiểu biết của mình về những thiết bị hằng ngày, bao gồm bồn cầu, khóa kéo, và ổ khóa hình trụ. Sau đó họ được yêu cầu mô tả chi tiết, giải thích cơ chế hoạt động từng bước một, và đánh giá mức độ hiểu biết của mình một lần nữa. Có vẻ như chút ít công sức này đã khiến các sinh viên nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình, vì điểm số mà họ tự đánh giá đã giảm xuống. (Bồn cầu thực chất lại phức tạp hơn ta tưởng.)
Sloman và Fernbach bắt gặp hiện tượng mà họ gọi là “ảo ảnh mức độ hiểu biết” này ở khắp mọi nơi. Con người tin rằng họ biết nhiều, nhưng thực tế thì họ không biết nhiều đến vậy. Lý do khiến ta cứ đinh ninh với niềm tin này chính là người khác. Trong trường hợp cái bồn cầu, một người nào đó đã thiết kế cái bồn cầu cho tôi sử dụng rất dễ dàng. Con người rất giỏi làm điều này. Ta vẫn luôn dựa dẫm vào chuyên môn của người khác ngay từ khi ta biết cách săn bắt cùng nhau, đây có thể là sự phát triển chủ chốt trong lịch sử tiến hóa của loài người. Sloman và Fernbach cho rằng, chúng ta hợp tác quá tốt đến nỗi ta không còn biết được tầm hiểu biết của mình dừng lại tại đâu và của người khác bắt đầu từ đâu.
“Một ví dụ về bản tính tự nhiên mà ta dùng để phân chia lao động nhận thức là không có một ranh giới rõ ràng giữa ý tưởng và kiến thức của một người” với “ý tưởng và kiến thức của các thành viên khác” trong cùng một nhóm.
Bản chất không có ranh giới, hay nếu muốn bạn có thể gọi là mập mờ, rất quan trọng đối với thứ mà ta gọi là tiến triển. Khi con người phát minh ra những công cụ mới cho một lối sống mới, họ cũng đồng thời tạo ra một đế chế bàng quan mới, nếu mọi người ai cũng muốn tinh thông thuật luyện kim trước khi cầm đến một con dao, thời kỳ đồ Đồng cũng không bùng nổ đến thế. Khi nhắc đến công nghệ mới, tầm hiểu biết hạn hẹp được lên ngôi.
Theo lời của Sloman và Fernbach, rắc rối thật sự nằm trong phạm vi chính trị. Với tôi việc xả bồn cầu mà không cần biết nó hoạt động ra sao là một chuyện, nhưng ủng hộ (hay chống đối) lệnh cấm người nhập cư mà không biết nó là cái gì thì lại là một chuyện khác. Sloman và Fernbach trích dẫn một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập một phần lãnh thổ Ukraine là Crimea. Người tham gia được hỏi rằng họ nghĩ nước Mỹ nên phản ứng thế nào, và họ có thể chỉ ra Ukraine nằm ở đâu trên bản đồ không. Người càng thiếu kiến thức địa lý thì càng nhiều khả năng ủng hộ can thiệp quân sự. (Người tham gia không biết Ukraine ở đâu đến mức trung bình vị trí mà họ đoán cách xa Ukraine tới 1800 dặm, xấp xỉ khoảng cách từ Kiev đến Madrid.)
Các cuộc khảo sát trên nhiều vấn đề khác cũng cho ra kết quả đáng thất vọng tương tự. “Như một quy luật vậy, cảm xúc mạnh đối với một vấn đề không xuất phát từ việc hiểu tận tường vấn đề đó,” Sloman và Fernbach đã viết. Và việc ta hay dựa dẫm vào cái đầu của người khác càng củng cố cho vấn đề này. Lấy ví dụ, nếu quan điểm của bạn về Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền là vô căn cứ và lập luận của tôi dựa vào đó, thì quan điểm của tôi cũng là vô căn cứ. Khi tôi nói chuyện với Tom và anh ấy đồng ý với tôi, quan điểm của anh ấy cũng là vô căn cứ, nhưng giờ có thêm người thứ ba cùng tán thành thì ta lại càng cảm thấy tự mãn về quan điểm của mình thôi. Nếu gạt bỏ tất cả những thông tin đi ngược với quan điểm của mình, thì bạn sẽ có Chính quyền Trump.
“Đây là lý do một cộng đồng trí thức có thể trở nên nguy hiểm,” Sloman và Fernbach quan sát được. Cả hai đều đã tự làm thực nghiệm với bồn cầu, thay thế thiết bị gia dụng bằng chính sách chung. Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2012, họ yêu cầu người tham gia đưa ra lập trường của mình cho những câu hỏi như: Nên hay không một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân? Hay trả lương cho giáo viên dựa trên năng lực? Người tham gia được yêu cầu đánh giá quan điểm của mình dựa trên mức độ đồng tình hay không đồng tình với những dự luật được đưa ra. Tiếp theo, họ phải giải thích, một cách chi tiết nhất có thể, tác động khi thi hành những dự luật ấy. Đa số mọi người gặp rắc rối ở giai đoạn này. Khi được yêu cầu đánh giá lại quan điểm của mình, họ liền giảm thái độ của mình, tức là họ không còn đồng ý hay phản đối kịch liệt như trước.
Từ kết quả này, Sloman và Fernbach đã nhìn thấy ành đèn le lói cho thế giới tối tăm này. Nếu chúng ta - hoặc bạn bè của chúng ta hoặc các nhà phê bình trên CNN - dành ít thời gian ra vẻ trí thức hơn và thay vào đó là cố gắng tìm hiểu nội dung của các dự luật, ta sẽ nhận ra mình chẳng biết gì cả và tiết chế quan điểm của mình. Họ cho rằng đây “có thể là cách suy nghĩ duy nhất có thể phá tan ảo ảnh mức độ hiểu biết và thay đổi thái độ của con người.”
Một cách nhìn nhận khoa học là xem khoa học như một hệ thống sửa chữa những sai lệch tự nhiên của con người. Trong một phòng thí nghiệm chuyên nghiệp, không có chỗ cho thiên kiến phe mình, kết quả có được ở phòng thí nghiệm này cũng phải có được ở những phòng thí nghiệm khác, bởi những nhà nghiên cứu không hề có bất kỳ động lực nào để chứng minh những kết quả ấy. Và đó là lý do vì sao hệ thống ấy lại thành công đến vậy, dù điều này vẫn còn đang gây tranh cãi. Tại bất kỳ thời điểm nào, một lĩnh vực có thể bị bao trùm bởi những tranh cãi, nhưng đến cuối cùng, những phương pháp luận sẽ thắng thế. Khoa học tiến về phía trước, ngay cả khi chúng ta vẫn còn đang kẹt đứng ở một chỗ.
Trong quyển “Denying to the Grave: Why We Ignore the Facts That Will Save Us” (Chối bỏ tới chết: Vì sao ta luôn thờ ơ với những sự thật có thể cứu được mình?) (Oxford), Jack Gorman, một bác sĩ tâm thần, và con gái, Sara Gorman, chuyên gia sức khỏe cộng đồng, tìm hiểu lỗ hổng giữa những gì khoa học nói với chúng ta và những gì ta nói với bản thân. Họ quan tâm đến những niềm tin bền bỉ không những sai lệch rõ ràng mà còn tiềm ẩn nguy cơ chết người, ví dụ như niềm tin vaccine là độc hại. Tất nhiên, không được tiêm vaccine mới là độc hại, đó là lý do vaccine được phát minh. “Chủng ngừa là một trong những chiến công của y học hiện đại,” hai bố con Gorman viết. Nhưng dù có vô vàn những nghiên cứu khoa học cho thấy vaccine là an toàn, và không có liên hệ nào giữa chủng ngừa và chứng tự kỷ, những người chống đối vaccine vẫn không hề thay đổi suy nghĩ. (Họ có Donald Trump về phe mình, ông đã nói rằng dù ông và vợ cho con trai Barron của mình tiêm vaccine, nhưng lại không chịu cho con tái chủng theo lịch hẹn mà bác sĩ khoa nhi đề ra.)
Hai bố con Gorman cũng cho rằng những lối suy nghĩ có phần tự hủy hoại chắc hẳn phải là một đặc điểm thích nghi tại một thời điểm nào đó. Và họ cũng tốn rất nhiều giấy mực cho thiên kiến xác nhận, họ nghĩ hiện tượng này một phần là do tác nhân sinh lý học. Họ trích dẫn một nghiên cứu cho thấy con người đạt được khoái cảm thuần túy - tăng nồng độ dopamine - khi xử lý thông tin ủng hộ niềm tin của mình. Họ nhận thấy rằng, “Dù có sai đi nữa thì việc ‘vững như kiềng ba chân’ cũng khiến ta cảm thấy thoải mái.”
Hai bố con Gorman không chỉ muốn liệt kê những cách suy nghĩ sai của con người, mà họ còn muốn chỉnh sửa chúng nữa. Họ tin rằng phải có cách nào đó để thuyết phục người ta tin rằng vaccine tốt cho trẻ em, và súng ống mới nguy hiểm. (Một niềm tin khác không thể xác minh đúng sai nhưng lại được rất nhiều người tin tưởng đó là mang súng bên mình khiến họ an toàn hơn.) Nhưng ngay tại bước này họ lại chạm trán với những vấn đề đã dự liệu. Cung cấp thông tin chính xác không mang lại hiệu quả gì cả, người ta chỉ đơn giản là mặc kệ. Kích thích cảm xúc của con người có vẻ ổn hơn, nhưng làm thế lại hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu xúc tiến khoa học có cơ sở. “Thử thách đặt ra,” họ viết ở cuối quyển sách, “là tìm ra cách nắm bắt được khuynh hướng dẫn đến niềm tin sai lệch về mặt khoa học.”
“The Enigma of Reasons”, “The Knowledge Illusion” và “Denying to the Grave” đều được viết trước kỳ bầu cử tháng 11. Nhưng họ đã dự liệu được Kellyanne Conway và sự trỗi dậy của “sự thật thay thế” (alternative facts). Ngày nay, có vẻ như cả nước Mỹ đang được đưa vào một cuộc thực nghiệm tâm lý đại trà được thực hiện bởi không ai khác ngoài Steve Bannon. Những tác nhân lý trí có thể nghiệm ra được giải pháp. Nhưng, trong vấn đề này, tác nhân lời lẽ lại không khiến người ta cảm thấy an tâm.
Nguồn: http://www.newyorker.com
dịch tamlyhoctoipham