"THÀNH PHỐ VỚI NHỮNG NGƯỜI QUEN XA LẠ" VÀ LỜI TỰ VẤN “TA LÀ AI?”

Tôi đã bị tựa sách cuốn hút ngay khi nghe giới thiệu. "Thành phố với những người quen xa lạ" gợi lên cái gì đó cô đơn, xa xôi, một nỗi buồn êm đềm mà dữ dội bởi hai từ “quen” và “lạ”. Và khi khép sách lại, trong tôi vẫn tồn đọng thứ gì đó như là day dứt, tôi hiểu rằng “quen” và “lạ” không chỉ dùng để chỉ mối quan hệ giữa người với người mà nó còn là một sự quay ngược lại bản thể để tìm lời giải cho lời tự vấn “ta là ai?”.

"Thành phố với những người quen xa lạ" được Choi – In ho viết khi gần đến ngưỡng cuối cuộc đời và cũng là khoảng thời gian bị căn bệnh ung thư tuyến nước bọt hành hạ. Có lẽ nhờ sự từng trải, dày dặn vốn đời và sự đau đớn của căn bệnh mà Choi – In ho đã viết nên một tác phẩm có sức đi ngược vào bản thể con người một cách sâu sắc mà hiện đại đến vậy.

Tác phẩm kể về anh chàng tên K, vào một buổi sáng thức dậy chợt nhận ra xung quanh mình khang khác trước. Mọi việc bắt đầu bằng chiếc đồng hồ báo thức kêu inh ỏi mặc dù hôm đó là thứ Bảy, lọ nước hoa thường dùng bị thay thế bằng nhãn hiệu khác. Và từ đó, mọi thứ trở nên xa lạ với K, ngay cả vợ và con gái, mặc dù hình hài bên ngoài chẳng có gì thay đổi. Cả thế giới dường như trở thành một vở diễn, và mỗi người là một diễn viên. K có bốn mươi tám tiếng đồng hồ để lần ra sự thật.

Tôi đã hơi vô định khi đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách cho đến khi nhận ra chất Kafka (phi lý) của nó. Chợt nghĩ, có phải Kafka đã trở thành huyền thoại của sự phi lý khi tôi bắt gặp một anh chàng Kafka trong tác phẩm "Kafka bên bờ biển" của Haruki Murakami, giờ đây tên nhân vật trong "Thành phố với những người quen xa lạ" cũng được kí hiệu bằng “K” (Kafka?). Tuy nhiên, khác với Kafka, sự phi lý của Choi – In ho gợi lên niềm hoang mang và nhẹ nhàng đi sâu vào tâm thức con người.

"Thành phố với những người quen xa lạ" là sự hoài nghi về thế giới thực tại. Một ngày, K chợt nhận ra, dường như từng khuôn mặt người, từng đồ vật xung quanh đều được lập trình sẵn. Cô con gái vẫn hay nói “Bố à, chào bố” rồi “Ông à, chào ông”, cô phát thanh viên trên truyền hình thì có khuôn mặt giống cô gái trong quán rượu, người anh rể vào vai một người đàn bà, bố vợ bỗng dưng trở thành chồng của chị gái K... Vì cảm nhận mọi thứ khác đi mà K không thể làm tình với vợ dù hôm ấy là buổi “tiền dạ lễ” (đêm trước ngày nghỉ), cảm thấy xa lạ khi cô con gái ôm mình, và cảm thấy có nhục cảm đối với chị ruột... Phải chăng những điều trên đủ để thấy rằng, trong xã hội công nghiệp người ta đã quen sống theo kiểu rập khuôn máy móc như việc làm tình của K và vợ cũng là một sự “xếp lịch”, mọi giá trị bên trong điều bị lãng quên. Hơn thế nữa, con người đã tự giới hạn mình trước những gì bản năng vốn có để rồi tự cảm thấy cô độc và lạc loài, không hòa nhập được với chính những người vốn dĩ là thân yêu của mình. Con người bị phán quyết phải sống trong sự hoài nghi và băn khoăn đi tìm câu trả lời cho sự hoài nghi đó. Đây là một kiểu chấn thương tâm lý trong xã hội hậu hiện đại.

Hơn tất cả, ẩn giấu trong "Thành phố của những người quen xa lạ" là lời tự vấn “ta là ai”. Lời tự vấn ấy như mở ra một hành trình truy tìm bản thể của nhân vật K. Choi – In ho đặt nhân vật trước những sự kiện phi lý và bất ngờ, để rồi chính trong khoảnh khắc của sự thức nhận, buộc nó phải trải nghiệm đến tận cùng trạng thái tha nhân. Con người đã lạc giữa cõi người. Việc K tìm lại người chị gái sau nhiều năm gián cách như là sự tìm kiếm lại chính mình nhờ những người thân yêu, đó như một cách đánh thức lại kí ức và tình yêu thương. Gần cuối tác phẩm Choi – In ho đã xây dựng một K (K2) đối sánh với K (K1) hiện tại. Nếu K1 sống theo lý tính, theo khuôn mẫu thì K2 còn lại là biểu hiện của bản năng và ham muốn. Choi – In ho để cho K tìm lại bản ngã bằng cách hợp nhất hai nhân vật này thành một cái tôi. Đó là sự dung hợp hai mặt của một con người, vô thức và ý thức, bản năng và lý trí. Và cái “tôi” hợp nhất đó đã đem con người trở lại thiên đường của Omega sau khi K không màng đến nguy hiểm cứu cô bé Sailor Moon đang giữ cây gậy phép thuật để cứu loài người. Qua đó, câu hỏi “ta là ai?” không chỉ là một lời tự vấn đơn thuần mà còn là bước đệm của hành động, và cũng chỉ có hành động mới trả lời cho chính câu hỏi này.

"Thành phố với những người quen xa lạ" là cuốn sách đáng đọc cho những ai muốn nhận diện chính mình, những ai muốn dành một ít thời gian trong những chuỗi ngày bộn bề để lắng lại và suy tư. Tuy tác phẩm có nhiều tầng ý nghĩa nhưng không vì thế mà trở nên nặng nề. Với cách viết phi lý khá đậm chất Kafka, "Thành phố với những người quen xa lạ" sẽ đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và hơn thế nữa, tác phẩm là “sự hợp nhất tuyệt đẹp giữa văn học và tôn giáo, nghệ thuật và tâm linh” (Oh Jeong – hee).

Nguồn Thảo Khuy

Chia sẻ bài viết

Đăng ký nhận bài mới qua email:


Xem thêm

Bài trước
« Prev Post
Bài sau
Next Post »